Trong đó, thời trang nhanh - xu hướng công nghiệp sản xuất sản phẩm giá rẻ theo đuổi những mẫu mới nhất đáp ứng thị hiếu của người dùng - là nguyên nhân gây ảnh hưởng tới nguồn tài nguyên quý của Trái đất và gây ô nhiễm môi trường.
Để làm nên một chiếc áo phông sẽ cần 2.700 lít nước, tương đương lượng nước một người uống trong khoảng 3 năm. Còn để sản xuất ra một chiếc quần bò sẽ cần 10.000 lít nước. Hãng tư vấn BCG thống kê đến năm 2030, ngành sản xuất thời trang nhanh sẽ cần nhiều hơn 35% đất đai và 50% lượng nước so với hiện nay. Chưa kể đến khoản năng lượng tiêu tốn dành cho việc trồng cây bông, sản xuất chúng thành áo, vận chuyển và sử dụng.
Không chỉ tốn nước và năng lượng, quá trình sản xuất thời trang nhanh còn thải ra môi trường đủ loại màu nhuộm có chứa chì, thuỷ ngân và crom. Những chất này có nguy cơ gây ung thư và sẽ ngấm vào nguồn nước sông, biển, từ đó huỷ hoại môi trường.
Chưa dừng ở đó, sản xuất quần áo chiếm 10% lượng khí thải carbon toàn cầu, nhiều hơn lượng khí thải của ngành công nghiệp hàng không và vận tải biển cộng lại.
Bà Ellen Macarthur - Người sáng lập tổ chức vì môi trường Ellen MacArthur, Anh cho hay: "Hầu hết các sản phẩm dệt may cũ hoặc không được dùng đến sẽ bị thiêu hủy. Chúng ta đang mất khoảng 500 tỷ USD mỗi năm để biến các chất liệu thành quần áo theo mốt rồi lại đốt chúng đi".
Xu hướng chạy theo mốt của người tiêu dùng đã thúc đẩy việc sản xuất thời trang nhanh tăng 400% trong thời gian từ năm 1994 - 2014, tạo ra 80 tỷ chiếc quần áo mỗi năm.
Chính hãng thời trang Levi's đã khẳng định rằng, nếu một chiếc quần bò được mặc 10 lần mới giặt, người Mỹ sẽ tiết kiệm được nước và giảm tác động đến thay đổi khí hậu 77%. Cũng làm như vậy, người Anh và Pháp sẽ giảm được 75% và con số này ở Trung Quốc là 61%.
Thời trang nhanh là thuật ngữ được sử dụng như một hiện tượng trong ngành công nghiệp thời trang, ở đó quá trình sản xuất được đẩy nhanh để mang đến những xu hướng mới trên thị trường, đáp ứng nhu cầu của người dùng với mức giá rẻ nhất có thể. Người dùng vì thế cũng quên đi việc phải quan tâm đến chất lượng sản phẩm và tác động của quần áo đến môi trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!