Một chương trình sẽ có cùng lúc 5 bộ sách, vậy con em mình sẽ học theo bộ sách mới nào? Câu hỏi này là mối quan tâm của hầu hết các bậc phụ huynh có con bắt đầu vào lớp 1 từ năm 2020. Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cuối tháng 3/2020, các nhà trường sẽ phải "chốt" phương án chọn sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Xung quanh dự thảo thông tư hướng dẫn việc chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông vẫn còn có nhiều điểm gây tranh cãi.
Khác với công bố ban đầu rằng trách nhiệm chọn sách thuộc về UBND các tỉnh, thông tư hướng dẫn lại giao nhiệm vụ này cho trường học. Cụ thể, nhà trường tự thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa tối thiểu 11 thành viên, trong đó 2/3 là tổ trưởng chuyên môn và giáo viên. Nhìn vào cơ cấu của hội đồng, dù có đầy đủ thành phần nhưng nhiều ý kiến cho rằng việc đưa đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh vào hội đồng chỉ mang tính hình thức. Bởi để đi đến quyết định lựa chọn bộ sách giáo khoa nào, họ phải đọc hết cả 32 đầu sách.
Cũng theo thông tư, mỗi một môn học giáo viên chỉ được chọn một bộ sách giáo khoa. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng, không nên quy định điều này vì sẽ làm mất đi tính tự do học thuật. Chủ trương một chương trình nhiều sách giáo khoa là khuyến khích giáo viên sáng tạo trong phương pháp giảng dạy.
Ngay cả khi các nhà trường chọn được một bộ sách phù hợp cho năm nay, khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực vào ngày 1/7/2020, việc quyết định chọn sách lại thuộc về UBND cấp tỉnh.
Chính vì vậy, chỉ một việc lựa chọn sách giáo khoa sẽ vất vả và tốn kém vô cùng. Năm học này, các trường tiểu học trong cả nước phải mua 32 đầu sách, phải thành lập mỗi trường một hội đồng, sang năm học sau, 64 tỉnh lại thành lại thành lập 64 hội đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!