Luật Điện ảnh ban hành từ năm 2006, đã hỗ trợ thúc đẩy nền điện ảnh phát triển như hiện nay. Tuy nhiên ở thời đại 4.0, với các nền tảng số, mạng xã hội, Luật Điện ảnh bộc lộ một số điểm được đề xuất cần thay đổi, song hành với sự phát triển mạnh mẽ của điện ảnh nước nhà, trong đó có việc xây dựng, bổ sung thêm các quy định hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài vào thực hiện các dự án sản xuất phim tại Việt Nam.
Đề xuất này được đưa ra vào Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) cuối năm 2019, và được cho là có thể góp phần giúp kích thích phát triển nền điện ảnh, ngành du lịch, kinh tế cho nước ta. Điển hình như bộ phim Hollywood đầu tiên quay tại Việt Nam - Kong Island - Đảo đầu lâu năm 2017, đã đem đến những hiệu ứng tích cực rõ rệt.
Vẻ đẹp thiên nhiên, bề dày văn hóa - lịch sử là lợi thế lớn để Việt Nam thu hút các nhà làm phim nước ngoài. Trong quá khứ, không ít bộ phim nước ngoài được quay tại Việt Nam và gây tiếng vang, như: Người tình, Người Mỹ trầm lặng, hay gần đây nhất là Kong Island - Đảo đầu lâu.
Ths. Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay: "Các đoàn làm phim quốc tế sẽ sử dụng lao động, diễn viên của Việt Nam, tác động nền kinh tế trong các dịch vụ đi lại, nhà hàng, chi phí khác, đóng góp vào việc nâng cao kỹ năng, kiến thức của các diễn viên tham gia vào các bộ phim đó. Và chúng ta cũng thấy hiệu quả của việc thúc đẩy du lịch thông qua điện ảnh".
Trước tiềm năng phát triển, quy định hợp tác hiện nay đã khá cởi mở, nhưng cần được hoàn thiện hơn cho những dự án hợp tác sản xuất phim của nước ngoài tại Việt Nam. Một trong số đó là các chính sách ưu đãi thuế hấp dẫn. Như tại Pháp, chính sách miễn giảm thuế và chế độ nhập khẩu dành riêng cho đạo cụ phim trường có thể được giảm tới 50%.
TS. Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, mức cạnh tranh của Việt Nam so các nước khác kém hơn là do chưa có ưu đãi cho các đoàn làm phim nước ngoài. Như Thái Lan hay Philippines, Malaysia có những ưu đãi rất rõ ràng, khoản chi của đoàn phim nước ngoài tại nước sở tại được trả lại, thậm chí lên tới 20%".
Ths. Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: "Những cơ chế chính sách về phim không chỉ liên quan đến Luật Điện ảnh, mà còn liên quan đến nhiều luật khác, luật Thuế, luật Phí. Bộ và các Hiệp hội, doanh nghiệp chỉ có thể đưa ra những đề xuất, kiến nghị, tham mưu cho Chính phủ. Qua đó xây dựng đồng bộ hệ thống cơ chế chính sách để hỗ trợ thu hút các đoàn làm phim nước ngoài".
Với sự hoàn thiện về chính sách, cùng công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tư vấn về quy trình, thủ tục hợp tác,... sẽ có nhiều hơn những cơ hội hợp tác sản xuất phim nước ngòai tại Việt Nam, tạo cú húych phát triển cho nhiều ngành nghề trong nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!