Tiêu điểm: Những cánh rừng kêu cứu

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ năm, ngày 29/08/2019 16:10 GMT+7

VTV.vn - Thứ gì cũng thành vũ khí để chiến đấu với giặc lửa. Brazil, Bolivia, Indonesia, Nga, Nam Phi, Angola, Congo chìm trong cuộc chiến mà không có dấu hiệu suy giảm.

Rừng Amazon đang cháy, tại Trung Phi cũng vậy. Sự thật số lượng đám cháy rừng cận Sahara tại khu vực thuộc châu Phi đang cao gấp 3 lần ở Brazil. Trái Đất đang ở trong một thời kỳ khủng hoảng với những vụ cháy rừng kinh hoàng.

Về mặt tính chất và tốc độ lan rộng nhanh kỷ lục, phải nói tới cháy rừng tại Amazon. Đến lúc này, dù đám cháy đã vượt khỏi tầm kiểm soát nhưng tranh cãi về một phương thức dập cháy hiệu quả vẫn chưa chấm dứt giữa chính phủ Brazil và cộng đồng quốc tế. Để đến được lúc thế giới thực sự đoàn kết tập trung dập lửa, tình cảnh ở Amazon lúc này đã là cả một tấn bi kịch.

Mùi của cái chết lan tỏa khắp nơi trong rừng Amazon. Mới đây, nơi này vẫn là những trảng cây xanh, động vật hoang dã phong phú thì nay, sức nóng và khói đã gây nên những cái chết. Những con vật chưa chết thì chạy tìm nước và thức ăn đang cực kỳ khan hiếm.

Động vật hoang dã đang phải trả giá cho sự đánh đổi của con người. Con người đã đốt rừng để làm chỗ chăn nuôi động vật lấy thịt. Thực ra, ngay cả con người cũng đang phải chạy trốn. Đó là những thổ dân của rừng Amazon.

Amazon vẫn đang cháy. Đêm cũng như ngày, trời vẫn sáng một màu vàng khói lửa. Nhiều khi khói dày đặc đến mức Amazon như đã mất hẳn.

Bị bỏ mặc trong khi giới chính trị tranh cãi, còn có lực lượng cứu hỏa đang vật lộn hàng ngày trong tuyệt vọng và đơn độc.

Lực lượng đối phó với cháy rừng Amazon ở hiện trường Bolivia, một nước nghèo nhưng lại có sự đa dạng sinh học tuyệt vời nhờ có Amazon. Có thể thấy, xẻng, thậm chí là dao cũng đang được sử dụng để dập cháy, dù cháy rừng đã vượt quá 650.000 ha. Những người lính cứu hỏa ở đây chia sẻ, họ cảm thấy đơn độc, bất lực trước một thảm họa lớn như thế này.

Lá phổi xanh của thế giới, rừng mưa nhiệt đới Amazon tại Brazil đang cháy. Cứ mỗi phút rừng lại mất một diện tích bằng 1,5 sân bóng đá.

Mặc dù theo truyền thống, người nông dân Brazil vẫn sử dụng phương thức canh tác, chặt cây - đốt rẫy để nuôi trồng từ bao đời. Nhưng cách làm của họ là chỉ dùng đất 1,2 năm rồi để không tới 12 năm để đất và rừng hồi sinh. Nhưng từ năm 2018, đột nhiên tốc độ phá rừng Amazon tăng gấp 80% so với bình thường, kết quả của sự thay đổi đáng lo ngại về chính sách của chính phủ Brazil.

Cháy rừng Amazon có thể làm thay đổi vĩnh viễn hệ sinh thái của rừng và đẩy nhanh tốc độ biến đổi khí hậu của toàn hành tinh Trái Đất.

Nếu không có những hành động khẩn cấp, chính con người sẽ tự tay làm suy giảm nguồn oxy của chính mình vì các vụ cháy rừng, theo cảnh báo của các nhà khoa học.

Với trường hợp rừng Amazon, lá phổi xanh của Trái Đất, nơi cung cấp khoảng 20% lượng oxy cho thế giới, nếu tỷ lệ mất rừng do cháy vẫn tiếp diễn thì hàng tỷ tấn CO2 sẽ bị thải vào không khí. Điều này khiến mục tiêu duy trì mức nhiệt toàn cầu tăng trong giới hạn từ 1,5 - 2oC trở nên bất khả thi.

Những tác động của biến đổi khí hậu sẽ nghiêm trọng hơn, hạn hán lũ lụt xảy ra thường xuyên và khó đối phó hơn, hệ sinh thái bị mất cân bằng, nguồn thực phẩm bị thu hẹp. Kịch bản tồi tệ này không phải là không thể xảy ra, nhất là khi tình trạng cháy rừng Amazon hay ở Trung Phi vẫn chưa thể kiểm soát.

Tình trạng cháy rừng không thể kiểm soát khiến toàn thế giới phải đặt ra câu hỏi cấp bách: chúng ta có thể làm gì để phòng ngừa và đối phó với cháy rừng cũng như những thảm họa tương tự.

Lắp đặt các camera kết nối với điện thoại ở giữa rừng, cứ mỗi sáu giây lại tự động quay và ghi lại hơn 100 hình ảnh. Đó là công nghệ mà Thụy Điển áp dụng để đối phó kịp thời với những vụ cháy rừng.

Trong khi đó Pháp lại có lực lượng tình nguyện viên gác trên các tháp canh để theo dõi tình hình và phát hiện các vụ cháy rừng.

Đây được xem là các biện pháp đối phó hữu dụng, tuy nhiên cũng chỉ mang tính tại chỗ. Các nhà khoa học cho biết, về lâu dài, con người cần có có những biện pháp ngăn ngừa cháy rừng hiệu quả hơn. Và những việc đó hoàn toàn nằm trong tầm tay của mỗi người.

Hạn chế ăn thịt bò, nhằm ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng lấy nơi chăn thả gia súc. Giảm tiêu thụ giấy, ngăn ngừa việc đốn cây bừa bãi lấy gỗ làm bột giấy hay đơn giản hơn nữa là trồng 1 cái cây để góp phần vào việc ngăn trái đất nóng lên - cũng là 1 trong những nguyên nhân khiến cháy rừng dễ xảy ra.

Đó là những biện pháp không quá khó để thực hiện cho mỗi người. Nếu mỗi người cùng chung tay, khả năng những cánh rừng được cứu sẽ cao hơn.

Brazil chấp nhận hỗ trợ tài chính nước ngoài cứu rừng Amazon Brazil chấp nhận hỗ trợ tài chính nước ngoài cứu rừng Amazon Khó dập tắt cháy rừng Amazon trong vài tuần tới Khó dập tắt cháy rừng Amazon trong vài tuần tới Rừng châu Phi cháy gấp 3 lần Amazon Rừng châu Phi cháy gấp 3 lần Amazon

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước