Trí tuệ nhân tạo AI là động lực thúc đẩy đáng kể trong sự phát triển xã hội và nền kinh tế. Theo nghiên cứu của Accenture, AI có khả năng thúc đẩy gấp đôi tốc độ phát triển kinh tế và tăng 40% năng suất lao động tại các nước phát triển cho đến năm 2035.
Theo dự báo của Tractica, trong giai đoạn 2018-2025 doanh thu phần mềm AI toàn cầu được dự báo sẽ tăng từ 10,1 tỷ USD năm 2018 lên 126,0 tỷ USD năm 2025. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 43%. Dự báo đến năm 2025, doanh thu phần mềm AI có tỷ trọng cao trong các lĩnh vực: tiêu dùng (10%), dịch vụ tài chính (10%), viễn thông (9%), công nghiệp ô tô (9%), bán lẻ (7%), dịch vụ doanh nghiệp (6%), quảng cáo (6%), chăm sóc sức khỏe (6%)…
Tại Việt Nam, cùng với xu thế chuyển đổi số, các sản phẩm AI đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như: hành chính công, y tế, giao thông, tài chính ngân hàng… Trong đó Viettel là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này với các nền tảng cơ bản được giới thiệu.
Nền tảng trợ lý ảo Viettel Cyberbot giúp doanh nghiệp xây dựng hệ thống tổng đài tự động thông qua tương tác với khách hàng bằng tin nhắn (Chatbot) hoặc bằng giọng nói (Callbot).
Viettel Cyberbot ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để có thể hiểu được nội dung mà khách hàng muốn truyền tải trong quá trình giao tiếp và tự động cải tiến hệ thống liên tục từ chính những tình huống thực tế. Viettel Cyberbot có khả năng vượt trội về xử lý ngôn ngữ giúp giọng nói của Callbot đạt tới mức độ tự nhiên giống đến 95% giọng người thật.
Tính đổi mới khác biệt của Viettel Cyberbot là kết hợp được các công nghệ xử lý giọng nói với công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiếng Việt cùng một lúc. Cụ thể, trong mỗi cuộc gọi giao tiếp với người dùng, hệ thống có thể xử lý đồng thời việc nhận dạng lời nói, phỏng đoán ý định của khách hàng, xử lý thông tin và trả lời khách hàng, tạo lên một giải pháp hoàn thiện có tính ứng dụng và linh hoạt cao theo tình huống thực.
Viettel Cybervision (Ứng dụng Smart City) đã được triển khai tại 20 tỉnh thành trên cả nước. Giải pháp ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực thị giác máy tính để phân tích để xử lý tự động các tín hiệu gửi về từ Camera giúp giải quyết các bài toán quản lý giao thông, an ninh trật tự trong thành phố. Trong đó, Cybervision for Transportation có tính năng: đếm lưu lượng phương tiện giao thông; kiểm soát các phương tiện ra vào thành phó trong thời gian chống dịch; phát hiện các lỗi vi phạm giao thông, xuất ra biên bản phạt nguội với các hình ảnh, video bằng chứng vi phạm; giám sát lấn chiếm vỉa hè, đỗ xe trái phép, đổ rác không đúng nơi quy định; thu phí khu vực đỗ xe công cộng.
Viettel Data Mining Platform là nền tảng khai thác dữ liệu chuyên sâu do đội ngũ Trung tâm Không gian mạng Viettel xây dựng và phát triển. Giải pháp đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội, các tổ chức về xử lý, lưu trữ và phân tích dữ liệu để khai phá tri thức; đưa ra các quyết định quản lý, điều hành; dự báo hay tối ưu.
Bên cạnh việc ứng dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu, Viettel Data Mining Platform cũng đồng thời kết hợp với kiến thức ngành chuyên sâu như: kinh doanh, tài chính, nhân sự, quản lý chất lượng… để giúp tối ưu vận hành trong doanh nghiệp. Cụ thể, Viettel Data Mining Platform có khả năng dự báo dự đoán, phân tích rủi ro và phát hiện bất thường trong quản lý doanh nghiệp như: phát hiện gian lận tài chính, ngăn ngừa tai nạn lao động, tránh thất thoát tài sản vật tư, giảm thiểu hàng tồn kho…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!