ABB vừa thông báo sẽ khởi công xây dựng cơ sở nghiên cứu và sản xuất robot mới tại Trung Quốc - thị trường robot lớn nhất thế giới. Công trình có mức tổng đầu tư 150 triệu USD này dự kiến sẽ mở cửa trong năm 2021.
Nhà máy mới trên diện tích 67.000 m2 tại Khang Kiều, gần Thượng Hải, sẽ ứng dụng các quy trình sản xuất mới nhất, bao gồm các giải pháp máy học, giải pháp kỹ thuật số và điều phối vận hành. Đây sẽ là nhà máy tiên tiến nhất, tự động và linh hoạt nhất trong ngành công nghiệp robot trên toàn thế giới - nơi robot sản xuất robot. Nhà máy mới cũng bao gồm một trung tâm nghiên cứu và phát triển giúp tăng tốc đổi mới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Nơi này sẽ đóng vai trò là trung tâm đổi mới mở, nơi ABB sẽ hợp tác chặt chẽ với khách hàng để cùng phát triển các giải pháp tự động hóa phù hợp với nhu cầu của từng công ty.
Các giải pháp robot của ABB phục vụ cho đối tượng khách hàng đa dạng ở châu Á, hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô, đặc biệt là ngành phương tiện giao thông điện, cũng như các nhà sản xuất điện tử, thực phẩm và đồ uống, dược phẩm, tự động hóa logistics (hậu cần) và các ngành công nghiệp nói chung. ABB dự đoán doanh số bán robot toàn cầu sẽ tăng từ 80 tỷ đô la trong hiện tại lên đến 130 tỷ đô la vào năm 2025. Trung Quốc là thị trường robot lớn nhất thế giới. Trong năm 2017, cứ có ba robot được bán ra trên thế giới thì có một robot được sử dụng tại Trung Quốc.
Ông Peter Voser, Chủ tịch và Tổng giám đốc của ABB cho biết: "Việc thành lập nhà máy mới này đánh dấu thêm một cột mốc quan trọng nữa trong sự phát triển của ABB tại Trung Quốc và sẽ củng cố hơn nữa vị thế dẫn đầu của chúng tôi tại thị trường robot lớn nhất thế giới. Kể từ khi dự án được công bố vào tháng 10 năm ngoái, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ chính quyền địa phương. Dự án là một trong số 10 dự án hàng đầu của sáng kiến ‘Sản xuất tại Thượng Hải’ năm 2019. Đây là một vinh dự lớn đối với ABB".
Nhà máy kỹ thuật số của Tương lai
Sản xuất trong nhà máy tự động hóa cao sẽ dựa trên các mô đun tự động hóa linh hoạt thay vì các dây chuyền lắp ráp cố định, điều này cho phép robot di chuyển từ trạm này sang trạm khác để điều chỉnh dễ dàng hơn và linh hoạt hơn so với các hệ thống sản xuất tuyến tính truyền thống. Các phương tiện được chỉ dẫn tự động (AGV) sẽ cung cấp các bộ phận cho robot sản xuất kịp thời, trong khi các công nghệ điều phối vận hành mới nhất sẽ đảm bảo rằng con người và robot có thể hoạt động an toàn bên cạnh nhau, mang lại sự linh hoạt cao hơn và tinh giản hơn cho các quy trình sản xuất và kết hợp được các lợi thế của robot với khả năng độc đáo của con người.
Nhà máy sẽ tạo nên một hệ sinh thái sản xuất kỹ thuật số hoàn chỉnh, sử dụng ’bản sao số’ để cung cấp cho tất cả mọi đối tượng từ các quản lý, đội ngũ kỹ sư đến người vận hành và các đội bảo trì thông tin dữ liệu và khả năng máy học để cải thiện hiệu suất và tối đa hóa năng suất. ABB sẽ sử dụng một hệ thống dựa vào máy học để kiểm tra robot khi chúng đang được lắp ráp, để đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng cao nhất.
Ông Sami Atiya, Chủ tịch Ban Robot và Tự động hóa Nhà máy của ABB chia sẻ: "Là một công ty dẫn đầu thị trường về robot công nghiệp tại Trung Quốc, chúng tôi tự hào hỗ trợ Trung Quốc thúc đẩy lĩnh vực sản xuất. Mặc dù có những thách thức thị trường trong ngắn hạn, sự phát triển của Trung Quốc trong vai trò là một trung tâm sản xuất toàn cầu, xu hướng liên tục hướng tới tùy biến trên diện rộng và sự thiếu hụt về lực lượng lao động lành nghề sẽ tiếp tục tạo ra nhu cầu mạnh mẽ và lâu dài cho các giải pháp tự động hóa trong khu vực".
Ông Atiya cũng cho biết thêm: "Trong những năm tới, chúng tôi dự tính sẽ phát triển danh mục đầu tư của chúng tôi về cả chiều sâu và chiều rộng lên gần gấp đôi. Điều này có nghĩa là chúng tôi sẽ cần một nhà máy có thể sản xuất nhiều loại robot hơn và có quy mô sản xuất hiệu quả để thích ứng với điều kiện thị trường và xu hướng công nghệ thay đổi".
Ban Robot của ABB có ba nhà máy trên toàn thế giới: nhà máy mới ở Thượng Hải sẽ thay thế nhà máy hiện có tại nước này và hỗ trợ khách hàng ở châu Á, nhà máy ở Västerås, Thụy Điển phục vụ khách hàng ở châu Âu và nhà máy Pontiac ở Michigan phục vụ khách hàng ở châu Mỹ.
Được biết, ABB hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc trên toàn bộ các lĩnh vực và đây là thị trường lớn thứ hai của ABB, bao gồm R&D, sản xuất, bán hàng và dịch vụ. Tại đây, ABB có khoảng 20.000 nhân viên tại 131 thành phố tại 44 công ty. Tại Trung Quốc, mảng kinh doanh robot của ABB có hơn 2.000 kỹ sư, chuyên gia công nghệ và quản lý điều hành tại 20 cơ sở. ABB đã đầu tư hơn 2,4 tỷ USD vào Trung Quốc kể từ năm 1992.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!