Theo GizChina, Tổng chưởng lý Ấn Độ KK Venugopal đã nói với Tòa án Tối cao nước này rằng trong các trường hợp liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia, các công ty truyền thông xã hội phải có trách nhiệm chia sẻ dữ liệu với cơ quan chức năng.
"Một kẻ khủng bố không thể đòi hỏi quyền riêng tư. Trong các trường hợp này, Facebook và WhatsApp nói rằng họ không thể giải mã dữ liệu là điều khó có thể chấp nhận", Tổng chưởng lý Ấn Độ nhấn mạnh.
Công nghệ mã hóa đầu cuối giúp cho việc phân tích dữ liệu người dùng trên Facebook Messenger hay WhatsApp trở nên cực kỳ khó khăn
Ước tính Facebook Messenger và WhatsApp hiện có khoảng 400 triệu người dùng ở Ấn Độ. Với những ứng dụng này, người dùng có thể trò chuyện, gửi cho nhau văn bản, hình ảnh… trên nền tảng công nghệ mã hóa đầu cuối.
Với công nghệ này, cơ quan chức năng gần như không thể giải mã được dữ liệu nếu không có sự hợp tác từ các công ty truyền thông xã hội.
Tổng chưởng lý Ấn Độ KK Venugopal nói rằng việc các nền tảng mạng xã hội thiết lập các hệ thống không thể giải mã là điều khó có thể chấp nhận
Không chỉ Facebook, Tổng chưởng lý KK Venugopal nói rằng Chính phủ Ấn Độ có kế hoạch xây dựng những quy định mới để quản lý các công ty truyền thông xã hội. Những quy định mới được xây dựng sẽ căn cứ vào các mối đe dọa ngày càng tăng đối với quyền cá nhân cũng như tính toàn vẹn, chủ quyền và an ninh quốc gia.
"Những nền tảng mạng xã hội không thể đến đây và nói rằng chúng tôi sẽ thiết lập một hệ thống không thể giải mã", Tổng chưởng lý KK Venugopal khẳng định.
Về phía Facebook, theo GizChina, luật sự của hãng này tại Ấn Độ - Mukul Rohtagi cho biết công ty sẽ không chia sẻ dữ liệu với chính phủ nước này. Vị luật sư này cũng nói thêm, luật pháp Ấn Độ không buộc các công ty chia sẻ dữ liệu với cơ quan chính phủ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!