Julian Assange và
Edward Snowden là hai cái tên đã khiến các tội phạm công nghệ phải ngả mũ thán phục về khả năng đánh cắp thông tin được bảo mật tuyệt đối đó là thông tin tình báo quốc gia.
Tờ Financial Time bình luận: “Edward Snowden cho chúng ta thấy, mạng lưới không có nghĩa ẩn dụ, lưới càng to, chúng ta càng dễ bị tin tặc tóm gọn”.
Vậy các nước phải làm gì? Tăng cường an ninh bảo mật? Cách này không khả thi vì tội phạm thường âm thầm phá hoại hệ thống trước khi nó được mọi người biết đến. Phải từ bỏ hệ thống máy tính? Cũng không hẳn. Tờ BBC cho biết, vẫn còn một lựa chọn khác, không mới đó là quay lại sử dụng máy đánh chữ.
Theo tờ Huffingtonpost, năm ngoái, điện Kremlin (Nga), đã phải chi 14.800 USD để trang bị máy đánh chữ cho các nhân viên văn phòng Chính phủ. Giữa tháng 7/2014, các chính trị gia Đức cũng tuyên bố họ sẽ quay lại dùng máy đánh chữ.
Trang mạng Irishexaminer cho rằng khi sử dụng máy đánh chữ, nếu kẻ gian muốn đánh cắp thông tin và phát tán, chúng phải photocopy các tài liệu này và như thế rất mất thời gian và dễ bị phát hiện.
Trích lời các nhà nghiên cứu, tờ BBC khẳng định: “Máy đánh chữ khác máy tính ở chỗ, nó giúp người ta tập trung, chỉ thực hiện một việc duy nhất là đánh chữ”. Hay “có quá nhiều cám dỗ và nguy cơ tiềm ẩn trên Internet, và cũng quá dễ để xóa hay thay đổi thứ bạn đã viết trên máy tính. Máy đánh chữ thì không”.
Chưa biết việc sử dụng lại các máy đánh chữ sẽ rộng rãi đến đâu khi năm 2012 nhà máy sản xuất loại máy này cuối cùng của thế giới đã đóng cửa. Tuy nhiên, với những tính năng đơn giản, máy đánh chữ vẫn được xem là lựa chọn bảo mật khi an ninh mạng bị đe dọa.