Apple ở Úc đóng thuế quá ít

THU ANH (Tuổi trẻ)-Thứ năm, ngày 28/01/2016 17:00 GMT+7

Năm 2015, chi nhánh Apple tại Úc (gọi tắt là Apple Australia) chỉ nộp thuế 85 triệu USD, dù tổng doanh thu cả năm gần 8 tỉ USD.

Theo báo Sydney Morning Herald, mức đóng thuế năm 2015 của Apple Australia trên thực tế đã cao hơn một chút so với năm trước đó (80,3 triệu USD), nhưng vẫn chỉ là một phần “nhỏ nhoi” so với tổng doanh thu 7,9 tỉ USD (doanh thu năm 2014 đạt 6 tỉ USD).

Thông tin cho biết lợi nhuận sau thuế của Apple Australia đạt 123 triệu USD, thấp hơn so với 171,5 triệu USD của năm 2014. Hiện Cơ quan Thuế Úc (ATO) vẫn đang tiến hành công tác kiểm toán tại Apple Australia.

Những số liệu này khiến báo chí Úc nhảy xổ vào. Nó nằm trong bối cảnh Thượng viện Úc đang tổ chức điều trần về tình trạng trốn thuế của các công ty, trong đó các lãnh đạo của ba tập đoàn Apple, Google và Microsoft cùng đối mặt với những chất vấn gay gắt.

Tuy nhiên khi trả lời Hãng thông tấn Fairfax Media của Úc, người phát ngôn Apple khẳng định: “Apple Australia đã thanh toán mọi khoản thuế thuộc trách nhiệm của công ty theo đúng luật pháp Úc”.

Phía Apple cũng thừa nhận mức thuế thu nhập của Apple Australia có thể sẽ phải thay đổi sau khi cơ quan thuế vụ Úc công bố kết quả kiểm toán.

Dùng luật siết thuế

Bộ trưởng Tài chính Úc Scott Morrison khẳng định chính quyền Canberra quyết tâm “dẹp trừ những chiêu trò trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia, ví dụ như các tập đoàn công nghệ lớn, đã lợi dụng kẽ hở và sự thiếu thống nhất trong hệ thống đánh thuế quốc tế”.

Trong một nỗ lực rõ ràng nhất thể hiện quyết tâm này, từ tháng 9-2015 Canberra đã thông qua luật mới tăng thêm quyền lực chống trốn thuế cho ATO.

Theo đó, các công ty có doanh thu toàn cầu thường niên từ 1 tỉ USD trở lên sẽ phải chịu đánh thuế hai lần nếu bị phát hiện có hành vi gian dối chuyển lợi nhuận ra nước ngoài để trốn thuế.

Luật có hiệu lực từ ngày 1-1 vừa qua, bất chấp việc có những phản đối từ ngay trong Quốc hội Úc cũng như một bộ phận dư luận cho rằng sẽ làm giảm lượng tiền đầu tư vào Úc. Bộ trưởng Morrison tin rằng với luật mới, Úc sẽ lấy lại được hàng trăm triệu USD tiền thuế.

Từ năm ngoái, một số công ty, tập đoàn đã bắt đầu thương thuyết với ATO về những nguy cơ tác động từ luật thuế mới tới công việc làm ăn của họ.

Ông Andrew Leigh, giáo sư kinh tế Đại học Quốc gia Úc, cho rằng người tiêu dùng Úc đã đóng góp rất nhiều cho tổng doanh thu cuối cùng của Apple trên toàn cầu, tuy nhiên “họ lại không chút ngờ vực tại sao Apple lại đóng góp quá ít cho nước Úc”.

Thượng nghị sĩ Nick Xenophon, người tham gia chất vấn các lãnh đạo của Apple trong phiên điều trần tại Thượng viện, bức xúc: “Những người dân Úc có mức lương trung bình cũng chỉ mơ được đóng thuế theo tỉ lệ mà Apple đang trả. Tôi thấy thật khó tin đây lại là tất cả những gì họ phải đóng. Tôi hi vọng ATO sẽ điều tra kỹ lưỡng và chi tiết về những gì Apple đang làm”.

Lại là chiêu trò
 “hai người Ireland”

Apple bị cáo buộc sử dụng chiêu trò tránh thuế chuyển phần lớn lợi nhuận sang Ireland và giảm đáng kể mức thuế phải trả. Cơ cấu chuyển giá “double Irish” (tạm dịch “hai người Ireland”) là cách các tập đoàn lợi dụng chính sách thuế của ba nước để trốn thuế.

Theo đó, một công ty ở Mỹ có thể lập ra hai công ty chi nhánh tại Ireland, trong đó công ty một đóng thuế ở Ireland, công ty hai tuy đăng ký hoạt động tại Ireland nhưng lại chịu thuế ở một “thiên đường thuế” khác như Bermuda hay Cayman, Hà Lan...

Mục tiêu của họ là chuyển toàn bộ lợi nhuận của tập đoàn về công ty thứ hai.

Tuy nhiên, giám đốc điều hành của Apple ở Úc và New Zealand là Tony King một mực khẳng định Apple Australia đã mua các sản phẩm như iPhone, iPad từ các chi nhánh nước ngoài một cách độc lập, sau đó bán lại tại địa phương. Do đó họ chỉ chịu đóng thuế cho phần lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đó tại Úc.

Quan chức ATO, ông Chris Jordan cho rằng công tác kiểm toán của cơ quan thuế sẽ cho biết chính xác có đúng là Apple đã mua các sản phẩm hàng hóa đó với giá bán độc lập đúng như giá phân phối giữa các chi nhánh hay không.

Ngoài ra, ông cũng chỉ ra số liệu đăng tải trên tạp chí Tài chính Úc cho biết năm 2012, tỉ lệ lãi suất thực của Apple trong tổng doanh thu 36 tỉ USD của họ là 1,9%.

Ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ ước tính năm 2016 tổng doanh thu của Apple sẽ giảm so với năm 2015, đây sẽ là lần đầu tiên xảy ra điều này kể từ năm 2001.

Apple hụt hơi?

Hôm 26-1 (giờ Mỹ), Hãng Apple công bố báo cáo cho thấy doanh số sản phẩm chủ lực của mình là iPhone đang tăng trưởng ở mức chậm nhất, đồng thời cảnh báo rằng công ty này trông đợi điều tồi tệ nhất. Đại gia công nghệ California nói họ dự đoán doanh số iPhone lần đầu tiên sẽ sụt giảm trong quý 1 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, Apple vẫn lạc quan về thị trường điện thoại thông minh nói chung. Hãng dự định tiếp tục đầu tư vào mảng điện thoại thông minh bất chấp khủng hoảng kinh tế ở nhiều nước và đồng USD mạnh lên.

Lợi nhuận của Apple trong quý 4 năm ngoái đạt 18,4 tỉ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước đó trong khi doanh thu cùng quý đạt 75,9 tỉ USD, lập một kỷ lục mới cho hãng này. Hiện tại giá trị vốn hóa thị trường của Tập đoàn Apple vào khoảng 980 tỉ USD.

Giới quan sát nhận định doanh số bán iPhone đã đạt đỉnh và Apple cần tìm các nguồn lực mới để tăng trưởng. Cũng trong quý 4 năm ngoái, Apple đã bán được 74,8 triệu chiếc iPhone. Đây được coi là kỷ lục nhưng thật ra chỉ tăng rất ít so với cùng kỳ năm trước đó là 74,5 triệu chiếc.

Theo AFP, câu hỏi lớn là liệu Apple có thể tiếp tục duy trì tăng trưởng doanh số trong một nền kinh tế toàn cầu đang chật vật và có quá nhiều đối thủ trong thị trường điện thoại thông minh.

Apple nói họ dự đoán doanh số trong quý 1 năm nay sẽ vào khoảng 50-53 tỉ USD. Điều đó đồng nghĩa với việc doanh số của họ sẽ giảm từ mức 58 tỉ USD đã đạt cùng kỳ năm 2015.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước