Cuộc đua 6G: Khi các cường quốc công nghệ "tăng tốc" đến tương lai

Tuấn Anh-Thứ hai, ngày 25/11/2024 17:44 GMT+7

Các quốc gia đều tăng tốc và dồn lực để có thể dẫn đầu cuộc đua đến mạng 6G (Ảnh: NextrendsAsia)

VTV.vn - Khi thế giới dần thích ứng với cuộc cách mạng công nghệ 5G, những cặp mắt nhìn xa trông rộng của ngành công nghệ lại đang đặt vào mục tiêu tiếp theo: mạng 6G.

Dù phần lớn đang dừng ở giai đoạn khái niệm và dự kiến còn nhiều năm nữa mới được triển khai thương mại, 6G hứa hẹn sẽ định nghĩa lại giới hạn của công nghệ không dây, mang đến tốc độ nhanh hơn, độ trễ thấp hơn và độ tin cậy cao hơn.

6G khác gì so với 5G?

Trong khi mạng 5G cung cấp tốc độ gigabit, độ trễ thấp và khả năng xử lý dữ liệu khổng lồ, 6G hướng tới việc mở rộng những giới hạn đó. Các chuyên gia dự đoán rằng, 6G có thể cung cấp băng thông ở cấp độ terabit, độ trễ chỉ tính bằng micro giây, mang lại sự cải thiện gấp 100 lần so với khả năng của 5G.

Theo báo cáo về thị trường 6G của hãng nghiên cứu TechSci Research (Ấn Độ), thị trường 6G toàn cầu dự kiến sẽ phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn dự đoán 2024 - 2035 do nhu cầu 6G để liên lạc ngày càng tăng và ứng dụng các mạng có độ trễ thấp trong nhiều ngành công nghiệp.

Một trong những mục tiêu chính của 6G là cho phép giao tiếp với độ trễ chỉ còn một micro giây. Điều này có nghĩa là tốc độ sẽ nhanh hơn gấp 1.000 lần, hay chỉ còn 1/1000 so với độ trễ một mili giây hiện tại. Bước nhảy vọt về độ trễ tác động sâu sắc đến nhiều ứng dụng, từ trải nghiệm thực tế ảo sống động và game thời gian thực cho đến các hệ thống điều khiển từ xa nhạy và xe tự lái. Hơn nữa, dung lượng tăng cường của mạng 6G sẽ hỗ trợ sự phát triển của hệ sinh thái thiết bị kết nối thông minh, cho phép tích hợp liền mạch các thiết bị Internet vạn vật (IoT), hạ tầng thông minh và các hệ thống tự động hóa công nghiệp tiên tiến.

Các chuyên gia dự đoán rằng, 6G sẽ cung cấp tốc độ dữ liệu tối đa lên đến 1 terabyte/giây, một bước tiến đáng kinh ngạc so với 5G. Bước tiến mới này không chỉ thúc đẩy các công nghệ dựa trên dữ liệu như AI, IoT mà còn tạo ra các ứng dụng mới như hình ảnh hologram di động chất lượng cao, trải nghiệm thực tế mở rộng thực sự sống động và sự liên kết liền mạch giữa thế giới thực và ảo.

Cuộc đua 6G: Khi các cường quốc công nghệ tăng tốc đến tương lai - Ảnh 1.

Minh họa về công nghệ 6G (Ảnh: IC/ChinaDaily)

Những quốc gia dẫn đầu cuộc đua 6G

Hiện tại, chưa có quốc gia nào có thể khẳng định sự tồn tại của một mạng 6G hoàn chỉnh. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đang tích cực phân bổ nguồn lực cho nghiên cứu và phát triển 6G, nhằm giữ vị thế tiên phong trong công nghệ mang tính cách mạng này.

Trung Quốc

Quốc gia này đã có những bước tiến đáng kể trong ngành viễn thông và đang đặt mục tiêu trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong công nghệ 6G. Trung Quốc gây chú ý khi phóng một vệ tinh thử nghiệm để kiểm tra khả năng truyền tải tín hiệu terahertz, đánh dấu bước tiến quan trọng hướng tới 6G. Ngoài sự hậu thuẫn từ chính phủ, Trung Quốc còn có một thị trường nội địa với các "gã khổng lồ" công nghệ như Huawei và ZTE, đóng vai trò quan trọng trong cơ sở hạ tầng và sản xuất thiết bị cho các công nghệ không dây tiên tiến.

Trung Quốc áp dụng một cách tiếp cận mở đối với công nghệ viễn thông, chủ động thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực 6G. Điều này trái ngược hoàn toàn với chính sách phong tỏa công nghệ của Mỹ, đã gây ra những gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu nhìn xa hơn, 6G sẽ không chỉ kết nối các cá nhân mà còn cả những thực thể thông minh như robot và vũ trụ ảo. Hơn nữa, công nghệ này sẽ tiếp tục mở rộng các kịch bản ứng dụng của 5G.

Hàn Quốc

Là một trong những nước triển khai 5G sớm nhất thế giới, Hàn Quốc đang là một đối thủ nặng ký trong cuộc đua 6G. Các tập đoàn công nghệ lớn của Hàn Quốc như Samsung và LG đã bắt đầu chuẩn bị cho sự phát triển của 6G. Cam kết của quốc gia này càng được khẳng định rõ ràng qua kế hoạch của chính phủ sẽ đầu tư khoảng 200 triệu USD trong thập kỷ tới vào nghiên cứu và phát triển 6G.

Mặc dù bắt đầu nghiên cứu muộn hơn so với Trung Quốc và Mỹ, Hàn Quốc vẫn tỏ ra lạc quan về kế hoạch của mình, đặt mục tiêu phát triển "công nghệ tiền 6G" vào năm 2026 và là nước đầu tiên triển khai 6G thương mại vào năm 2028. Bộ Công nghiệp và CNTT Hàn Quốc kêu gọi tập trung vào phổ tần 7-24GHz để khắc phục "hạn chế dung lượng của băng tần 3.5GHz và vùng phủ của băng tần 28GHz".

Mỹ

Từ lâu Mỹ đã đứng ở vị trí tiên phong trong đổi mới công nghệ, và trong lĩnh vực 6G cũng không phải là ngoại lệ. Các công ty công nghệ lớn của Mỹ cùng với những trường đại học danh tiếng đã bắt đầu triển khai các nỗ lực nghiên cứu và phát triển công nghệ này. Ủy ban truyền thông liên bang (FCC) mở các dải băng tần "terahertz" cho các mục đích thử nghiệm, mở đường cho việc thí nghiệm 6G. Các nhà mạng như AT&T, Verizon và Next G Alliance đang góp phần định hình tương lai của 6G.

Liên minh châu Âu

Liên minh châu Âu (EU) đang triển khai nhiều sáng kiến quy mô lớn, như chương trình Horizon Europe, nhằm thúc đẩy đổi mới và nghiên cứu. Nokia đang đóng vai trò dẫn dắt trong phát triển 6G khi tham gia dự án Hera-X, được coi là dự án hàng đầu của châu Âu trong nghiên cứu 6G. Thông qua các chương trình như Horizon Europe và Viện Đổi mới và Công nghệ châu Âu (EIT), EU đang tài trợ cho các dự án nghiên cứu hợp tác, thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các trường đại học, ngành công nghiệp và chính phủ, đồng thời hỗ trợ phát triển các công nghệ và tiêu chuẩn then chốt cho 6G.

Nhật Bản

Bắt tay vào nghiên cứu 6G từ năm 2020, Nhật Bản đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng nhằm ra mắt công nghệ dữ liệu di động thế hệ tiếp theo vào năm 2030. Giống như Hàn Quốc, chính phủ Nhật Bản đã dành một quỹ phát triển lớn trị giá 9,6 tỷ USD cho nhiều công nghệ mới nổi, trong đó có 6G.

Vào tháng 5/2014, bốn công ty - Docomo, NTT, NEC và Fujitsu đã cùng nhau tạo ra nguyên mẫu thiết bị 6G đầu tiên, được cho là nhanh hơn 500 lần so với thiết bị 5G và có thể truyền dữ liệu trong khoảng cách hơn 100m.

Việt Nam

Đầu năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra mục tiêu cho ngành Viễn thông Việt Nam là "trong nhóm đầu về phát triển mạng 5G, 6G của thế giới". Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam đã khởi động nghiên cứu 6G, đồng thời tiến hành phân bổ tần số cho 5G và mở rộng mạng 5G trên toàn quốc. Theo Cục Viễn thông, Ban chỉ đạo 6G cũng đã được thành lập, đưa Việt Nam trở thành một trong 10 nước đầu tiên trên thế giới sở hữu ban chỉ đạo riêng cho công nghệ này.

Mục tiêu được đặt ra là tần số 6G có thể được cấp phép vào năm 2028, trước khi tiến tới thương mại hóa. Các công ty Việt Nam cũng đang nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G, 6G, thiết bị truyền dẫn, thiết bị đầu cuối.

Với những thách thức kỹ thuật và tác động mạnh mẽ của 6G, các quốc gia và doanh nghiệp đều nhận thức rõ tầm quan trọng của hợp tác quốc tế. Nhiều tổ chức và tập đoàn trên thế giới đã bắt tay nhằm thiết lập các tiêu chuẩn chung, đồng thời chia sẻ thông tin và kiến thức. Những nỗ lực này đóng vai trò quan trọng trong việc định hình chương trình nghị sự toàn cầu về phát triển công nghệ và giúp đảm bảo khả năng tương tác xuyên biên giới.

Trung Quốc đẩy mạnh phát triển và thương mại hóa công nghệ 6G Trung Quốc đẩy mạnh phát triển và thương mại hóa công nghệ 6G Ấn Độ hướng đến mạng viễn thông 6G Ấn Độ hướng đến mạng viễn thông 6G Nhà Trắng lên kế hoạch triển khai mạng 6G Nhà Trắng lên kế hoạch triển khai mạng 6G

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước