Sự cố Galaxy Note7 liên tiếp phát nổ là một trong những ví dụ điển hình về việc smartphone có khả năng trở thành một quả bom di động, đe dọa tới sự an toàn của người dùng. Mặc dù Samsung đã công bố nguyên nhân của sự cố là do thiết kế pin của máy và lỗi từ đơn vị cung cấp pin kèm theo lời hứa hẹn đảm bảo sẽ không xuất hiện sự cố tương tự, tuy nhiên, điều này chưa thể khiến người dùng yên tâm hoàn toàn khi mang theo hay sử dụng smartphone.
Theo các chuyên gia, không chỉ smartphone, máy tính bảng và laptop đều có khả năng bị quá nhiệt và phát nổ trong quá trình sử dụng. Nguyên nhân phần lớn xuất phát từ sự cố xảy ra với pin Lithium-Ion. Mặc dù chỉ khoảng 1/10 triệu viên pin Lithium-Ion trên các thiết bị di động gặp vấn đề sau khi trải qua hàng loạt quy trình kiểm tra nghiêm ngặt, tuy nhiên, người dùng nên biết những gì cần phải làm khi gặp sự cố smartphone, máy tính bảng hay laptop có nguy cơ bốc cháy, phát nổ.
Nguyên nhân
Theo Giáo sư Bryan McCloskey chuyên nghiên cứu về hóa sinh tại Đại học California ở Berkeley, nếu viên pin bắt đầu có dấu hiệu phồng lên, các chất hóa học trong pin khi đó đang di chuyển hỗn loạn. Về cơ bản, mỗi viên pin chứa các hóa chất hóa học có nhiệm vụ phân tách các cực giúp pin hoạt động an toàn. Khi gặp sự cố, các hóa chất trong pin vô tình trộn lẫn với nhau, gây ra hiện tượng ngắn mạch. Nếu các chất hóa học bắt lửa, thiết bị có thể bốc cháy, thậm chí phát nổ, gây nguy hiểm cho người dùng.
Ngoài ra, mỗi loại pin Lithium-Ion có thể chứa nhiều loại hóa chất khác nhau và sử dụng những phương thức khác nhau để giúp các chất này không bị bay hơi. Do đó, khi pin bốc cháy hoặc phát nổ, khó có thể biết chính xác chất độc nào có thể tỏa ra trong khói bốc lên từ thiết bị.
Nhận biết các dấu hiệu
- Pin nóng bất thường hoặc phồng to khiến lớp vỏ của máy bị bung ra hay trồi lên.
- Pin và các phụ kiện bên trong máy bốc cháy.
Đó là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy thiết bị có khả năng bốc cháy, thậm chí phát nổ. Trong những trường hợp này, các hóa chất trong pin có thể gây bỏng nếu tiếp xúc trực tiếp với da của người dùng. Ngoài ra, nếu máy phát nổ, không chỉ tài sản mà tính mạng của người dùng cũng có thể bị đe dọa nếu không xử lý đúng cách.
Cách xử lý
Nếu smartphone trở nên nóng hơn bình thường, phát ra tiếng kêu lách tách nhỏ hay pin bị phồng, điều cần làm là:
- Sử dụng các công cụ như kẹp hoặc găng tay để tiếp xúc với thiết bị, tránh trường hợp tiếp xúc trực tiếp với máy. Theo các chuyên gia, người dùng nên sử dụng găng tay da hoặc các loại vải polyester với khả năng chống chịu tốt với nhiệt độ cao (nhưng không chống cháy) để cầm thiết bị.
- Tắt nguồn thiết bị ngay lập tức.
- Nhẹ nhàng và cẩn thận di chuyển thiết bị.
- Đặt thiết bị ở khu vực bị cô lập hoàn toàn như trên sàn bê-tông hay nền đất, tránh xa khỏi mọi thứ có thể bắt lửa.
- Lập tức liên hệ với nhà mạng hoặc đại lý bán lẻ nơi bạn mua sản phẩm để nhận được chỉ dẫn chi tiết hơn.
- Nếu thiết bị vẫn tiếp tục phồng to dù đã tắt nguồn, hãy cẩn trọng để xa thiết bị khỏi những người xung quanh và các vật dễ cháy, có thể đặt thiết bị trên nền đất trống hoặc trong hộp trống bằng kim loại.
- Nếu thiết bị bốc cháy, hãy lập tức gọi ngay dịch vụ cứu hộ khẩn cấp.
- Dập ngọn lửa bằng bình cứu hỏa hoặc cát.
Những điều cần lưu ý
Khi gặp trường hợp smartphone, máy tính bảng hay laptop bất ngờ bị quá nhiệt và bốc cháy, cần lưu ý những điều sau:
- Không để mặc thiết bị bốc cháy.
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với thiết bị.
- Không dùng nước để dập tắt thiết bị đang cháy.
- Không ném thiết bị vào thùng rác hay những nơi có vật liệu dễ bắt lửa.
- Tránh hít phải khói tỏa ra khi thiết bị bốc cháy.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!