Tiếp theo những triển khai đầu tiên của mạng 5G trong lĩnh vực tiêu dùng trong năm 2019, thì 2020 sẽ là năm triển khai mạng 5G thương mại quy mô lớn trên toàn cầu. Cùng với chuyển biến này, mạng 5G sẽ tạo ra một nguồn doanh thu hấp dẫn cho các mảng dịch vụ nội dung giải trí trên nền tảng đám mây, mảng dịch vụ này được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Dữ liệu mới được công bố bởi ABI Research cho thấy, đến năm 2024, riêng mạng viễn thông 5G sẽ đóng góp doanh thu gần 1,9 tỷ USD cho lĩnh vực game trên đám mây (chiếm 42% tổng doanh thu của dịch vụ game trên điện toán đám mây). Bên cạnh đó cũng sẽ có thêm 67,5 tỷ USD cho mảng truyền hình trực tuyến trên nền tảng đám mây (chiếm 31% doanh thu của video trên đám mây).
Những con số này nhấn mạnh nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ giải trí dựa trên đám mây. Ông Leo Gergs, nhà nghiên cứu thị trường mạng viễn thông 5G của ABI Research cho biết: "5G sẽ rất quan trọng đối với ngành công nghiệp viễn thông để mở khóa những cơ hội doanh thu khổng lồ này và biến chúng thành hoạt động thương mại toàn cầu".
Đặc biệt trong tình hình hiện nay, khi các quốc gia vẫn tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội để kiểm soát sự bùng phát của COVID-19, nhu cầu giải trí dựa trên đám mây cũng như các ứng dụng video từ xa, như dịch vụ giáo dục từ xa hoặc nền tảng gọi video… đang gia tăng nhanh chóng. Các nhà khai thác mạng trên toàn cầu đang phải đối mặt với sự gia tăng lưu lượng mạng trung bình 15% (con số có thể lên đến 30% ở các quốc gia như Tây Ban Nha và Ý). Các biện pháp như tạm thời đóng cửa trường học đang tạo ra một cú hích cho các trò chơi truyền hình trực tuyến và thị trường truyền hình trực tuyến. Các nền tảng hàng đầu như YouTube và Netflix báo cáo lưu lượng truy cập tăng lần lượt là 15% và 16%. Do các biện pháp giãn cách xã hội hiện nay, báo cáo của ABI Research cho biết hầu hết các dịch vụ nói trên được truy cập tại nhà, sử dụng băng thông rộng di động, cố định hoặc truy cập không dây cố định. Trong tương lai, mạng 5G sẽ là một yếu tố quan trọng để truyền tải những trải nghiệm đa phương tiện này.
Theo ông Joshua New, chuyên gia cao cấp mảng tư vấn chính sách công của IBM, nhân loại đang ở một bước ngoặt trong lịch sử công nghệ, vì những quyết định được đưa ra hôm nay về cách xây dựng mạng 5G sẽ có tác động chưa từng có đối với chuyển đổi kinh doanh. Để đảm bảo rằng tác động này là tích cực và để mở khóa toàn bộ tiềm năng của 5G, các công nghệ này phải dựa vào giao diện mở và công nghệ đám mây dựa trên nguồn mở. Nói tóm lại, 5G phải là một ứng dụng mở để có thể cạnh tranh nhằm phát triển các sản phẩm sáng tạo, an toàn và tiết kiệm chi phí nhất.
Nhiều lợi ích của mạng 5G đến từ sự phụ thuộc lớn vào phần mềm so với các thế hệ công nghệ không dây trước đây. Trong các mạng 5G, phần mềm có thể quản lý các hoạt động mạng và thực hiện các hoạt động được kiểm soát trước đây bởi phần cứng thông qua ảo hóa mạng và điện toán đám mây. Ví dụ, trong cơ sở hạ tầng truyền thông không dây hiện có, hiệu suất mạng chủ yếu dựa trên các hạn chế kỹ thuật và hoạt động đúng của phần cứng cụ thể. Thông qua ảo hóa, mạng 5G gần như không còn bị giới hạn bởi phần cứng, vì phần mềm có thể mô phỏng hiệu suất của các loại phần cứng chuyên dụng khác nhau và được cập nhật và sửa chữa từ xa.
Tuy nhiên, để thực sự thành công, điều cực kỳ quan trọng đối với các nhà mạng và nhà cung cấp cơ sở hạ tầng là phải nhắm tới các khách hàng mục tiêu, bao gồm các doanh nghiệp sử dụng nhiều dịch vụ trên cơ sở nền tảng mạng viễn thông 5G.
Ông Leo Gergs chia sẻ: "Nếu có một bài học để học hỏi từ các nhà khai thác Hàn Quốc như LGU + hoặc SK Telecom, thì thực tế là doanh thu từ riêng lĩnh vực tiêu dùng sẽ không đủ để trả hết vốn đầu tư cho việc triển khai 5G. Đó là lý do tại sao rất quan trọng đối với ngành công nghiệp viễn thông rời khỏi vùng an toàn của mình và tiến tới chiếm lĩnh các thị phần thị trường mà trong đó doanh nghiệp sử dụng các nền tảng truyền thông và dịch vụ giải trí".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!