Theo hãng tin Bloomberg, hiện nay, việc tăng cường quản lý các đại gia công nghệ đang là một trong những vấn đề hiếm hoi nhận được sự đồng thuận của hầu hết các nhà lãnh đạo toàn cầu.
Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) của Mỹ ngày 14/12 đã gửi các sắc lệnh đến Amazon, Facebook, Twitter, YouTube và các tập đoàn công nghệ khác, yêu cầu cung cấp thông tin về việc thu thập dữ liệu, các hoạt động quảng cáo và tần suất truy cập của người dùng. Theo FTC, ủy ban này muốn biết các mô hình kinh doanh công nghệ có ảnh hưởng ra sao đến những gì người Mỹ nghe và nhìn, họ nói chuyện với ai và chia sẻ những thông tin gì.
Động thái siết chặt quản lý này diễn ra chỉ ít ngày sau khi giới chức liên bang và các bang tại Mỹ liên tiếp tiến hành các vụ kiện nhằm vào Facebook, buộc hãng công nghệ này phải bán lại các dịch vụ có hàng tỷ người dùng mà họ từng thâu tóm. Với diễn biến này, Facebook trở thành công ty "Big Tech" thứ hai tại Mỹ phải đối mặt với thách thức pháp lý lớn trong năm nay, sau Google.
Theo bà Letitia James - Tổng chưởng lý bang New York, trong gần một thập kỷ, Facebook đã sử dụng sức mạnh thống trị và độc quyền của mình để đè bẹp các đối thủ nhỏ hơn, loại bỏ sự cạnh tranh và người dùng chính là đối tượng phải chịu thiệt hại.
Facebook bị cáo buộc sử dụng sức mạnh thống trị và độc quyền để đè bẹp các đối thủ nhỏ hơn
Còn tại Trung Quốc, những tập đoàn công nghệ hàng đầu như Alibaba hay Tencent cũng đang đối mặt với thách thức lớn sau hơn một thập kỷ được Bắc Kinh tạo mọi điều kiện để phát triển thuận lợi. Thương vụ IPO đình đám của Ant Group đã phải hoãn lại trước sức ép từ giới chức Trung Quốc.
Alibaba và một công ty con của Tencent cũng vừa phải hứng chịu án phạt vì vi phạm luật chống độc quyền. Động thái này càng làm dấy lên những lo ngại về đợt siết chặt quản lý quy mô lớn hơn với lĩnh vực công nghệ.
Ông Scott Yu - chuyên gia tại công ty luật Zhong Lun - cho biết, các quy định đang dần được thắt chặt. Đây là một tín hiệu rõ ràng rằng, các công ty công nghệ lớn sẽ không còn được hưởng quyền miễn trừ nữa.
Alibaba vừa phải hứng chịu án phạt vì vi phạm luật chống độc quyền
Sức ép với các đại gia công nghệ cũng gia tăng tại nhiều nước khác. Hàn Quốc, Australia và các quốc gia Đông Nam Á cũng đang mạnh tay thực hiện các nỗ lực áp thuế kỹ thuật số nhằm đảm bảo nguồn thu ngân sách và duy trì một sân chơi bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp bản địa. Xu hướng này được dự báo sẽ còn gia tăng trong bối cảnh nền kinh tế kỹ thuật số đang tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!