Ngày 7/7/2013, khi truy cập báo Dân Trí (dantri.com.vn), người đọc nhận được câu “Bạn hãy thực hiện phép tính để tiếp tục sử dụng báo Dân Trí!”. Còn trang web tuoitre.vn suốt 3 ngày 18, 19, 20 tháng 7 cũng đã luôn trong tình trạng báo lỗi. Đầu tiên trang báo này xuất hiện báo lỗi hệ thống không truy cập được và những đợt tấn công sau đó là bị chiếm luôn tên miền, trên website giao diện trắng xóa.
‘ Ảnh: VTV News
Tính từ đầu tháng 7 đến nay, đã có hàng trăm website của Việt Nam bị tấn công mà không rõ lý do và đáng chú ý là số lượng các website bị tấn công tăng gấp đôi chỉ trong thời gian ngắn. Điều đáng nói là đây không phải lần đầu tiên các trang web này bị tấn công, mà từ đầu năm 2011 đến nay hacker liên tục tấn công gây thiệt hại lớn cho những tờ báo điện tử có số lượng độc giả đông nhất nước.
Theo thống kê mới đây của công ty An ninh mạng BKAV, người sử dụng máy tính tại Việt Nam đã bị thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng do virus máy tính gây nên cùng với sự bùng nổ của mạng xã hội. Trong khi đó, các văn bản pháp luật hiện hành, có liên quan đến công tác đảm bảo an toàn thông tin, chế tài xử lý còn nhiều bất cập, chưa sát với thực tế và chưa đủ sức răn đe các hành vi tấn công mạng trái phép.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết: “Bộ Luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định ở điều 225 nêu rõ, những hacker gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử phạt từ 20 triệu đến 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1 đến 5 năm. Đặc biệt ở những trường hợp thuộc lĩnh vực bí mật Nhà nước, an ninh quốc phòng, nếu hacker gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị phạt tù từ 5 đến 12 năm”.
Theo cảnh báo của các chuyên gia an ninh mạng, các lỗ hổng bảo mật, mức độ an toàn của nhiều website tại Việt Nam chưa cao. Đây là kẽ hở để các hacker dễ dàng xâm nhập. Vì vậy, bên cạnh việc liên tục rà soát lại toàn bộ quy trình bảo mật, việc xây dựng những địa chỉ dự phòng là hết sức cần thiết nhằm đối phó với những cuộc tấn công tiếp có thể xảy ra.