Cảnh báo mặt trái của các thành phố thông minh

TTXVN-Thứ sáu, ngày 18/10/2019 14:50 GMT+7

VTV.vn- "Các thành phố thông minh không thể là 1 giải pháp cho thấy công nghệ tiên tiến như thế nào mà phải xem các công nghệ này được sử dụng như thế nào".

Đó là nhận định của ông Lim Teng Leng, chuyên gia về thành phố thông minh của Chính phủ Singapore.

Khi các thành phố châu Á chuyển sang các công nghệ như nhận diện khuôn mặt và trí tuệ nhân tạo (AI) trong các dịch vụ công cộng và an sinh xã hội, các chuyên gia về đô thị ngày 17/10 kêu gọi chính quyền cần giải quyết các lo ngại về quyền riêng tư và bảo vệ những người dễ bị tổn thương.

Từ Ấn Độ đến Indonesia, các chính phủ trên toàn khu vực đang ủng hộ hàng trăm Thành phố Thông minh, sử dụng công nghệ và dữ liệu để cải thiện quản lý rác thải và bảo tồn năng lượng, giải quyết tắc nghẽn giao thông và giảm thiểu các nguy cơ liên quan đến biến đổi khí hậu. Trợ lý Tổng thư ký LHQ Armida Salsiah Alisjahbana phát biểu tại một hội thảo đô thị ở Penang (Malaysia) cho biết: "Các công nghệ như AI hứa hẹn thay đổi cách mà lĩnh vực công phục vụ các nhu cầu phát triển bền vững. Các công nghệ này có tiềm năng biến đổi cách thức vận hành truyền thống trong mọi chức năng và lĩnh vực của chính phủ". Bà Alisjahbana cho rằng, đối tác công - tư sẽ có thể là chìa khóa.

Trên thế giới, sự nổi lên của các công nghệ điện toán đám mây và AI đã dẫn tới những ứng dụng cấp đô thị như đèn tín hiệu giao thông thu thập dữ liệu tại Trung Quốc, xe bus tự động tại Singapore hay hệ thống nhận diện khuôn mặt ở các sân bay tại Ấn Độ. Theo một nghiên cứu của LHQ công bố trong tuần này, công nghệ AI hiện cũng đang được sử dụng trong việc phòng tránh tội phạm, đăng ký thương hiệu và cải thiện mùa màng.

Tuy nhiên, việc gia tăng sử dụng dữ liệu, và các hệ thống như phần mềm nhận diện khuôn mặt cũng đang gây nhiều lo ngại liên quan đến an ninh, quyền riêng tư và sự thiên vị. Chuyên viên báo cáo của LHQ về vấn đề nghèo đói và nhân quyền Philip Alston cảnh báo "địa ngục an sinh xã hội kỹ thuật số" sẽ xảy ra khi lĩnh vực tư nhân đóng vai trò hàng đầu trong việc thiết kế, xây dựng và vận hành phần lớn các dịch vụ an sinh xã hội kỹ thuật số. Về phần mình, Colin Fernandes, chuyên gia tại Trung tâm Sẵn sàng cho thảm họa toàn cầu, thuộc Hội chữ thập Đỏ Mỹ, cho biết các cư dân nghèo hơn và những người không "sính" công nghệ có thể bị "gạt ra ngoài lề". Theo chuyên gia này, việc thu thập thông tin thường "bỏ quên" những người không có chỗ ở chính thức, và họ chính là những người dễ bị tổn thương nhất khi xảy ra thảm họa và biến đổi khí hậu, cũng là những người cần được hưởng các lợi ích từ an ninh xã hội và các hỗ trợ khác.

Ông Lim Teng Leng cho biết thêm, các chính phủ có thể bảo vệ chống lại nguy cơ trên bằng cách triển khai lực lượng cảnh vệ thích hợp và đảm bảo việc lên kế hoạch và quản lý tốt.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước