Anh Hegen Karsten Tschorn, Giám đốc Điều hành công ty công nghệ Canto (Đức) là một trong những người tiên phong và đã có 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ in 3D. Anh tin tưởng rằng, công nghệ này chính là một cuộc cách mạng trong thế giới lao động hiện đại.
Anh Hegen Karsten Tschorn cho biết: "Một ngày, các kỹ sư sẽ chẳng muốn áp dụng quy trình sản xuất thông thường nữa. Thay vì phải gửi mail bản mẫu thiết kế đến xưởng rồi lại giám sát xem sản phẩm có đúng như mẫu không, họ chỉ cần đưa thiết kế đó vào máy in 3D. Công nghệ sẽ làm nốt việc còn lại".
Công ty của anh Hegen là một trong nhiều nhà sản xuất đang áp dụng công nghệ 3D để tăng sức cạnh tranh. Công ty nào càng sản xuất được những sản phẩm độ khó cao, phục vụ cho công nghiệp tự động hay thiết kế xây dựng không gian càng nhận được nhiều đơn đặt hàng. Tuy nhiên, chính vì yêu cầu chính xác tuyệt đối từ bản vẽ đến chi tiết sản phẩm mà công nghệ in 3D không có nhiều cơ hội phát triển như các hình thức sản xuất thông thường.
Anh Sebastian Piegert, chuyên gia hãng Siemens, Đức, nói: "Công nghệ 3D hiện đang rất hữu ích trong việc sản xuất những sản phẩm hoặc bộ phận thiết bị nhỏ. Với các thiết bị lớn như tuabin quạt gió nặng hàng tấn, dường như in 3D lại không hiệu quả như kỳ vọng".
Một phần hạn chế nữa của công nghệ in 3D chính là giá thành khá cao. Ví dụ, để sản xuất 1kg sản phẩm thì chi phí sản xuất sẽ khoảng 400 Euro, tương đương khoảng 10 triệu đồng. Theo anh Hegen, các nhà sản xuất có thể phải mất 10 - 15 năm nữa để tìm ra cách cân bằng giữa tiện ích và giá thành của công nghệ in 3D, từ đó mới tăng được khả năng cạnh tranh.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!