Công thức để phát triển công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông-Thứ bảy, ngày 31/08/2024 21:32 GMT+7

VTV.vn - Phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam cần một cách tiếp cận độc đáo, một khát vọng lớn, một quyết tâm rất cao, một sự bền bỉ và chấp nhận rủi ro.

Tại sự kiện "Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024" khai mạc sáng ngày 30/8 tại Cung hội nghị quốc tế Ariyana, thành phố Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương cho rằng, công nghiệp bán dẫn là ngành đòi hỏi vốn lớn và năng lực công nghệ cơ bản và cao. Việt Nam là nước đi sau, nguồn lực không nhiều, năng lực về công nghệ và sản xuất hạn chế. Do đó, muốn phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam phải có đường đi riêng, phù hợp với bối cảnh, đặc trưng và tiềm năng lợi thế của chính mình.

Công thức để phát triển công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương phát biểu tại sự kiện

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, phát triển công nghiệp bán dẫn, Việt Nam cần một cách tiếp cận độc đáo, một khát vọng lớn, một quyết tâm rất cao, một sự bền bỉ và chấp nhận rủi ro. Lý luận dẫn lối, đường đi ở đây chính là công thức: C = SET + 1, trong đó:

C: Chip (Chip bán dẫn);

S: Specialized (Chuyên dụng, Chip chuyên dụng);

E: Electronics (Điện tử, Công nghiệp điện tử);

T: Talent (Nhân tài, Nhân lực);

+ 1: Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương, Internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI) là các công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cốt lõi của IoT và AI chính là chip bán dẫn. Công nghiệp bán dẫn, chip bán dẫn đã có mặt trong hầu hết các thiết bị, mọi mặt của đời sống xã hội, đã, đang và sẽ thay đổi, định hình thế giới; ảnh hưởng to lớn tới an ninh kinh tế và an ninh quốc phòng.

Việt Nam cần phát triển chip chuyên dụng, thiết kế để tối ưu hóa theo yêu cầu riêng biệt cho từng lĩnh vực như viễn thông, y tế, giao thông, năng lượng, cho từng đối tượng khách hàng. Sản xuất chip chuyên dụng tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất, thúc đẩy đổi mới công nghệ.

Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương nhấn mạnh, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn phải đi cùng với công nghiệp điện tử, tạo đầu ra cho chip bán dẫn. Việt Nam cũng cần tập trung vào việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, trở thành một trung tâm nhân lực toàn cầu trong ngành công nghiệp này.

Về phát triển nguồn nhân lực, nhân tài, Chiến lược quốc gia về phát triển ngành bán dẫn đã xác định mục tiêu xây dựng Việt Nam thành một trong các trung tâm nhân lực toàn cầu về công nghiệp bán dẫn, từ đó tiến tới xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Với lợi thế nguồn nhân lực có năng lực về STEM, Việt Nam là một trong các nước có ưu thế hàng đầu thế giới. Nhân lực là trụ cột cốt lõi và là nền tảng để hình thành ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.

Việt Nam có lợi thế địa chính trị về công nghiệp bán dẫn

Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương cho biết, Việt Nam ở trung tâm của khu vực đang chiếm tới 70% sản lượng sản xuất của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Việt Nam là quốc gia có nền chính trị ổn định, nằm trong nhóm các nước có tốc độ phát triển nhanh. Đảng và Nhà nước Việt Nam đang đặt ưu tiên hàng đầu cho việc phát triển công nghiệp bán dẫn. Đây là những yếu tố quan trọng để Việt Nam có cơ hội trở thành một trong các trung tâm công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương cũng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang chủ trì việc xây dựng Luật Công nghiệp Công nghệ số nhằm tạo hành lang pháp lý và các chính sách đủ mạnh để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số nói chung và công nghiệp bán dẫn nói riêng, với các cơ chế, giải pháp huy động nguồn lực nhà nước, kết hợp với nguồn lực xã hội trong và ngoài nước để phát triển ngành công nghiệp bán bán dẫn Việt Nam.

Với vai trò quản lý nhà nước về ngành công nghiệp bán dẫn, Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị Đà Nẵng chủ động xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ để góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 của quốc gia. Trong đó, chú trọng thu hút các nhà đầu tư chiến lược; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; trong giai đoạn trước mắt cần ưu tiên hoạt động nghiên cứu, thiết kế, sản xuất sản phẩm bán dẫn chuyên dụng để thúc đẩy, phát triển bền vững các ngành/lĩnh vực; đồng thời, sớm nghiên cứu và xây dựng các Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, dự án nêu tại Đề án Phát triển vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo thành phố Đà Nẵng, góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược quốc gia.

Đà Nẵng đặt mục tiêu "đi đầu, đi nhanh" trong phát triển nhân lực bán dẫn

Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, từ cuối năm 2023 đến nay TP Đà Nẵng đã nhanh chóng đón bắt thời cơ để tiếp cận nhà đầu tư, quảng bá môi trường và cơ hội đầu tư cũng như triển khai đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Công thức để phát triển công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam - Ảnh 2.

Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - phát biểu tại sự kiện

Các doanh nghiệp thiết kế bán dẫn hàng đầu thế giới như Synopsys, Marvell đã có mặt tại Đà Nẵng. Nvidia, Qualcom, Intel... đã đến khảo sát cơ hội đầu tư tại Đà Nẵng và đang có kế hoạch hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại thành phố.

Tập đoàn Foxlink, một trong các doanh nghiệp hàng đầu của Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã đầu tư vào thành phố 135 triệu USD và đang có kế hoạch mở rộng trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: "Đặt mục tiêu "đi đầu, đi nhanh" trong phát triển nguồn nhân lực ngành vi mạch bán dẫn tại Việt Nam để đón sóng đầu tư, Đà Nẵng rất mong chờ những đóng góp của nhà đầu tư, doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước trong công tác quy hoạch và định hướng phát triển ngành vi mạch bán dẫn".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước