Sản phẩm của Airbus lần đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam
Các cửa thoát hiểm này đang được công ty MHI Việt Nam - công ty con của Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi (Mitsubishi Heavy Industries-MHI) Nhật Bản - sản xuất tại Hà Nội. Theo kế hoạch, những sản phẩm đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam sẽ sớm được bàn giao và chuyển đến các nhà máy của Airbus tại Đức để lắp ráp lên thân máy bay. Các cửa thoát hiểm trên cánh được lắp đặt trên tàu bay A321neo chỉ để sử dụng trong các tình huống khẩn cấp và được trang bị chức năng mở tự động trong những trường hợp cần sơ tán nhanh chóng.
Trong quá trình sản xuất, nhà máy MHI Việt Nam sẽ sử dụng phần mềm Quản lý Vòng đời Sản phẩm (PLM) 3D mới nhất trong sản xuất cửa thoát hiểm máy bay, được làm từ thép chống ăn mòn, titan và nhôm.
Cửa thoát hiểm trên cánh cho A321neo- dòng máy bay thân hẹp bán chạy nhất thế giới của Airbus được sản xuất tại Việt Nam
Phần mềm này giúp tinh gọn hóa quy trình sản xuất bằng cách loại bỏ các chuyển đổi thiết kế 2D truyền thống, tối ưu hóa toàn bộ quy trình sản xuất. Để đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, sau khi hợp đồng giữa tập đoàn Airbus và tập đoàn MHI được ký kết vào năm 2023, Airbus đã cử các chuyên gia từ Pháp và Đức sang Việt Nam, làm việc với MHI, đồng thời hướng dẫn, đào tạo trực tiếp đội ngũ nhân lực người Việt.
Với việc sản xuất tại Việt Nam, Airbus không chỉ tăng cường năng lực sản xuất của tập đoàn mà còn đảm bảo tính linh hoạt trong chuỗi cung ứng toàn cầu, giúp giảm thời gian thực hiện và tăng công suất sản xuất dòng máy bay A320 bán chạy nhất thế giới. Động thái chiến lược này của Airbus còn đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế của Việt Nam thông qua việc tạo việc làm tay nghề cao và phát triển kỹ năng cho người lao động.
“Trực thuộc một tập đoàn công nghiệp nặng hàng đầu của Nhật Bản, MHI Việt Nam có chuyên môn vững chắc trong việc sản xuất các bộ phận thân vỏ máy bay và đã đạt được những thành công nhất định”, bà Hoàng Tri Mai, Tổng Giám đốc Airbus Việt Nam lý giải cho quyết định sản xuất cửa thoát hiểm trên cánh cho A321neo tại Việt Nam.
Cùng với đó, nhà máy của MHI Việt Nam được đặt ở một vị trí chiến lược, gần Sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội và chỉ mất khoảng 2 tiếng là đến cảng biển lớn thứ hai của Việt Nam, việc này mang lại hiệu quả cao cho việc vận chuyển và các hoạt động logistics khác. MHI Việt Nam còn nằm tại một trong những khu công nghiệp lớn nhất của Hà Nội và có khả năng mở rộng diện tích, công suất nhà máy nhanh chóng trong trường hợp cần thúc đẩy năng lực sản xuất trong ngắn hạn và trung hạn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
“Dự án của Airbus với MHI Việt Nam thể hiện chiến lược của Airbus trong việc mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời cũng là đóng góp của chúng tôi cho sự phát triển của ngành công nghiệp hàng không Việt Nam”, bà Hoàng Tri Mai, Tổng Giám đốc Airbus Việt Nam.
Việt Nam có nhiều lợi thế
Nói về vị thế của Việt Nam trong ngành công nghiệp hàng không, Tổng Giám đốc Airbus Việt Nam Hoàng Tri Mai nhấn mạnh, Việt Nam có rất nhiều lợi thế, bao gồm nhân lực lao động trẻ, có tay nghề cao và ngành hàng không đang phát triển nhanh chóng: “Nhân lực lao động Việt Nam đã luôn cho thấy bản tính chăm chỉ, tận tụy và tháo vát của mình trong việc sản xuất các phụ tùng, linh kiện ngành hàng không”. Theo bà Mai, các hoạt động hợp tác công nghiệp của Airbus tại Việt Nam đã tạo ra việc làm cho hơn 1.500 nhân lực tay nghề cao. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất của các nhân lực người Việt vẫn là kỹ năng ngoại ngữ. Chúng ta cần chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ của người lao động để có thể tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và thu nhận tốt nhất những chuyển giao công nghệ, kiến thức và chuyên môn.
Bên cạnh nguồn nhân lực, chi phí sản xuất cạnh tranh, vận tải đường bộ hiện đại kết hợp số lượng sân bay và cảng biển ngày càng tăng giúp Việt Nam có tiềm năng trở thành một nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng không toàn cầu.
Song đại diện của Airbus cho rằng, Việt Nam cần phát triển hơn nữa chuyên môn kỹ thuật, cơ sở hạ tầng cần thiết để có thể tiếp nhận nhu cầu sản xuất với quy mô lớn và đòi hỏi độ chính xác cao trong công nghiệp hàng không. “Với sự đầu tư và đào tạo không ngừng, Việt Nam hoàn toàn có khả năng vượt qua những thách thức này, tăng cường vai trò của mình trong ngành công nghiệp hàng không vũ trụ toàn cầu”, đại diện Airbus Việt Nam đánh giá.
Cùng quan điểm, ông Go Fujikawa, Tổng giám đốc Hệ thống Hàng không Thương mại của MHI cho rằng, việc sản xuất cửa thoát hiểm của dòng máy bay A321neo đánh dấu sự khởi đầu của hoạt động sản xuất thân vỏ máy bay mới tại Việt Nam, khẳng định vị thế quan trọng của Việt Nam trong thị trường hàng không đang phát triển mạnh mẽ ở châu Á.
“Dự án này sẽ đóng góp vào sự phát triển và tính cạnh tranh trong khu vực của nền kinh tế Việt Nam thông qua việc nâng cao năng lực kỹ thuật của lực lượng lao động Việt Nam”, ông Go Fujikawa - Tổng giám đốc Hệ thống Hàng không Thương mại của MHI.
A321neo là phiên bản có kích thước lớn nhất của dòng máy bay A320neo bán chạy nhất của Airbus, có tầm bay và hiệu suất vượt trội. Nhờ vào sự kết hợp động cơ thế hệ mới và đầu cánh Sharklets, A321neo giảm 50% tiếng ồn, tiết kiệm hơn 20% nhiên liệu cũng như giảm khí thải CO₂ so với các máy bay thân hẹp thế hệ trước. A321neo cũng đem lại sự tiên nghi, thoải mái cho hành khách với khoang cabin rộng nhất trong phân khúc máy bay một lối đi. Tính đến nay, hơn 90 khách hàng trên toàn thế giới đã đặt mua hơn 6.400 máy bay A321neo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!