Những nhân tố mới trong cuộc đua không gian
Nếu trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, chinh phục không gian được ví như cuộc đua song mã giữa Mỹ và Liên Xô thì ngày nay, cuộc cạnh tranh trở nên gay cấn hơn khi chứng kiến sự tham gia của nhiều quốc gia, trong đó có các quốc gia mới nổi. Những nhân tố mới đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trong cuộc đua khám phá vũ trụ.
Ngày 23/8/2023, tàu vũ trụ Chandrayaan-3 của Ấn Độ đáp thành công xuống mặt trăng. Quốc gia Nam Á này đã đi vào lịch sử khi là quốc gia đầu tiên đưa tàu vũ trụ hạ cánh lên cực Nam của mặt trăng - nơi vẫn là khu vực chưa được khám phá, giúp gia tăng hiểu biết về bầu khí quyển của mặt trăng và mở đường cho các chương trình thám hiểm không gian trong tương lai.
Ảnh chụp bề mặt mặt trăng trong quá trình trạm đổ bộ Vikram của tàu Chandrayaan-3 hạ cánh (Ảnh: ISRO)
Thành công đó đã giúp Ấn Độ củng cố sức mạnh ngày càng tăng trong lĩnh vực không gian và công nghệ.
Bà Carla Filotico - Giám đốc điều hành của Công ty tư vấn SpaceTec Partners - cho rằng: "Điều này cũng quan trọng đối với sự công nhận toàn cầu. Trên thực tế, đó là vì Ấn Độ sẽ nằm trong số rất ít quốc gia có thể đáp tàu xuống mặt trăng. Như bạn đã biết, chỉ có Mỹ, Nga và Trung Quốc từng làm được điều này. Ấn Độ sẽ là quốc gia thứ tư hạ cánh xuống mặt trăng và còn là quốc gia đầu tiên hạ cánh xuống cực Nam mặt trăng. Vì vậy, đây là niềm tự hào dân tộc cũng như nguồn cảm hứng to lớn cho thế hệ tương lai".
Ấn Độ cũng thu hút các quốc gia mới nổi khác ở Nam bán cầu để tiến tới thiết lập các quan hệ đối tác phát triển về không gian, đơn cử như Kenya. Giữa tháng 4, quốc gia châu Phi đã phóng thành công vệ tinh quan sát Trái đất đầu tiên của mình. Vệ tinh thu thập dữ liệu về nông nghiệp và môi trường cũng như các hiện tượng thời tiết cực đoan, nhằm hỗ trợ phòng chống thiên tai và chống mất an ninh lương thực.
Thống kê của công ty nghiên cứu EuroConsult cho thấy, có 67 quốc gia và khu vực đang chi từ 10 triệu USD trở lên cho nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực không gian vũ trụ. Các khoản ngân sách cho lĩnh vực này gia tăng đáng kể tại các nước như Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi - những nước đang tăng cường sự hiện diện trên đường đua chinh phục không gian.
Lợi ích từ hoạt động khám phá không gian
Có thể thấy, phát triển không gian tiếp tục được nhiều quốc gia trên thế giới xác định là có tầm quan trọng và họ đang tính toán các kế hoạch tham vọng. Nguyên nhân là bởi những lợi ích và cơ hội mới mà hoạt động khám phá không gian đem lại.
Ngày càng có thêm nhiều tàu kết nối thành công với trạm vũ trụ quốc tế ISS (Ảnh: NASA)
Đầu tiên là thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng của nhiều công nghệ vào đời sống hằng ngày như hệ thống liên lạc vệ tinh, pin mặt trời…, từ đó góp phần tạo thêm việc làm, tăng hiệu suất làm việc và phát triển nhiều lĩnh vực mới.
Việc làm sáng tỏ những bí ẩn của vũ trụ sẽ mang lại những hiểu biết có giá trị về nguồn gốc của vũ trụ, tiềm năng của sự sống ngoài Trái đất và sự phát triển của các công nghệ tiên tiến. Đối với lĩnh vực y khoa, thông qua nghiên cứu được thực hiện trong không gian, các nhà khoa học có thể phát triển những công nghệ và phương pháp điều trị mới cho nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau, như bệnh loãng xương, ung thư, tiểu đường.
Bên cạnh đó, lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ cũng giúp phát triển những vật liệu mới chắc, bền hơn và nhẹ hơn hay phát hiện và tận dụng những nguồn năng lượng mới từ không gian. Chẳng hạn, Heli 3 được cho là có trong nước đá ở cực Nam của mặt trăng. Heli 3 là năng lượng sạch bởi nó có thể tạo ra năng lượng hạt nhân không có bức xạ. Các nhà khoa học Trung Quốc ước tính mặt trăng có đủ Heli 3 để đáp ứng nhu cầu năng lượng của Trái đất trong 10.000 năm.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng đó là việc phát triển lĩnh vực không gian vũ trụ giúp các quốc gia củng cố vị thế và hình ảnh của mình trên trường quốc tế cũng như đảm bảo an ninh quốc gia. Bởi không gian vũ trụ được đánh giá là mặt trận thứ 5, bên cạnh trên bộ, trên biển, trên không và trên không gian mạng. Nhiều quốc gia đã thành lập các lực lượng chuyên biệt và tăng cường năng lực quân sự trong không gian vũ trụ.
Sự cần thiết của việc kiểm soát không gian
Dù mang lại nhiều lợi ích cho nhân loại song cuộc đua không gian mới cũng làm nảy sinh những bất cập và cả những sự không công bằng. Điều này đòi hỏi cần có những quy định quốc tế có tính ràng buộc pháp lý về kiểm soát không gian.
Cuộc đua không gian mới làm nảy sinh những bất cập và cả những sự không công bằng (Ảnh: NASA)
Những tài nguyên từ không gian vẫn mới chỉ mang tính lý thuyết và để thực sự khác thác được các tiềm năng này là một quá trình dài, tốn nhiều chi phí và sẽ phải thất bại nhiều lần. Lợi thế nghiêng về một số quốc gia có tiềm lực lớn. Trong khi đó, các nước đang phát triển chưa phải là cường quốc về không gian, tức là 2/3 thế giới chưa có chỗ trong không gian, sẽ bị chặn lại.
GS. Asif Siddqi Đại học Fordham, Mỹ cho rằng: "Về mặt khai thác tài nguyên trên bề mặt mặt trăng, điều đó vẫn còn rất xa trong tương lai. Bất kể mọi người nói gì với bạn thì điều đó cũng sẽ không sớm xảy ra vì cơ sở hạ tầng để thực hiện điều đó cực kỳ tinh vi và phức tạp. Điều đó có thể xảy ra trong vài thập kỷ nữa. Tôi nghĩ những gì sắp xảy ra là rất nhiều kế hoạch đặt trạm nghiên cứu, thử nghiệm và những thứ tương tự trên bề mặt mặt trăng. Nhưng xét về mặt khai thác thực tế và các loại hoạt động công nghiệp thì phải trong tương lai xa. Và hy vọng rằng, vào thời điểm đó, có thể có một số thỏa thuận chung trên phạm vi quốc tế về những gì sắp xảy ra và những việc cần làm".
Để khắc phục vấn đề thiếu công bằng, có thể sẽ có những hiệp ước mới được soạn thảo nói về lợi ích chung của không gian khi các luật hiện tại đã lỗi thời.
Bên cạnh đó, việc các quốc gia cạnh tranh để tiếp cận tài nguyên có giá trị trên mặt trăng, sao Hỏa và các tiểu hành tinh có nguy cơ dẫn đến căng thẳng nảy sinh. Quân sự hóa vũ trang, thông qua việc phát triển vũ khí chống vệ tinh và các công nghệ quân sự khác, làm dấy lên mối lo ngại nguy cơ xảy ra chiến tranh không gian.
Luật chính quản lý các tài sản chung trong không gian hiện là Hiệp ước Ngoài không gian năm 1967. Hiệp ước này cấm triển khai vũ khí hạt nhân và căn cứ quân sự trong không gian song không có sự ràng buộc nào đối với việc phát triển các loại vũ khí thông thường trên quỹ đạo.
Nhằm đảm bảo an ninh và ngăn nguy cơ chạy đua vũ trang trong không gian, Đại hội đồng Liên hợp quốc đầu tháng 12 năm ngoái đã thông qua dự thảo nghị quyết do Nga đề xuất về việc không triển khai vũ khí trong vũ trụ. Nghị quyết kêu gọi tất cả các quốc gia, đặc biệt là những nước có năng lực về vũ trụ, cân nhắc cam kết không trở thành quốc gia đầu tiên triển khai vũ khí trong vũ trụ. Việc nghị quyết được đa số các nước thành viên Liên hợp quốc thông qua cho thấy cộng đồng quốc tế ủng hộ đàm phán một đạo luật quốc tế về kiểm soát vũ khí trong không gian, cũng như phản đối mạnh việc triển khai vũ khí không gian.
Tuy giới phân tích đánh giá hiện chưa có nguy cơ xảy ra chiến tranh không gian song điều quan trọng là chính phủ các nước phải hợp tác chặt chẽ để thiết lập những chuẩn mực quốc tế, khuôn khổ pháp lý và thỏa thuận hợp tác nhằm đảm bảo không gian vẫn là một miền hòa bình và bền vững, góp phần vào sự tiến bộ chung của nhân loại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!