Cuộc xâm lược của công nghệ vào quyền riêng tư của con người

Theo VOV-Thứ bảy, ngày 09/02/2019 14:22 GMT+7

Những quy định nghiêm ngặt của GDPR buộc các tổ chức phải trả giá đắt nếu vi phạm quyền riêng tư của người dân châu Âu. (Ảnh: DMNews).

VTV.vn - Bên cạnh tiện ích công nghệ mang lại, con người cần nhìn nhận là hầu như tất cả các hoạt động trực tuyến đều bị theo dõi bởi "con mắt kỹ thuật số".

Việc theo dõi người dùng từ lâu đã được phổ biến rộng rãi trên Internet, nhất là với các nhà quảng cáo và mạng xã hội thu thập càng nhiều thông tin về người dùng càng tốt. Ngay cả khi người dùng tạo một tài khoản gần như không có thông tin cá nhân nào trên đó, các doanh nghiệp công nghệ cũng không mất nhiều thời gian để tìm hiểu mọi thứ về bạn thông qua bạn bè của bạn và những dấu vết hành động của người dùng trên môi trường internet.

Sự khác biệt duy nhất bây giờ là mọi người bắt đầu có ý thức hơn đối với việc theo dõi và thu thập thông tin cá nhân này, với năm 2018 được đánh giá là năm có đánh dấu nhận thức rõ ràng về quyền riêng tư trong từng quốc gia cũng như trên toàn thế giới, với ước tính hơn 1 tỷ người dùng bị ảnh hưởng do các bê bối dữ liệu.

Tuyên bố sứ mệnh của Facebook từng được nhiều người, doanh nghiệp ngưỡng mộ là "mang thế giới lại gần nhau hơn". Thế nhưng, đến đầu năm 2018, vụ bê bối Cambridge Analytica đã "giúp" Facebook thực sự làm được điều đó khi khiến cả thế giới "thống nhất" mối quan tâm về dữ liệu.

Cambridge Analytica là sự kiện lớn nhất, tiếp sau đó là loạt những bê bối dữ liệu cá nhân khác tiếp diễn trong cả năm 2018, tiếp tục làm gia tăng mối lo ngại của mọi người.

Cụ thể, nhiều báo cáo tiết lộ các dịch vụ của Google đã theo dõi và lưu trữ dữ liệu vị trí của mọi người, ngay cả khi lịch sử vị trí bị vô hiệu hóa; hay việc các nhà mạng đang bán dữ liệu vị trí thời gian thực từ điện thoại của người dùng cho các công ty theo dõi.

Thông tin riêng của mỗi người, từ thông tin hoạt động hàng ngày đến thông tin cá nhân cơ bản, đang được vũ khí hóa làm phương tiện khai thác lại các cá nhân mỗi ngày.

Ông Pierre Bonnet, nhà sáng lập Smart-up.org kiêm Giám đốc vận hành Orchestra Networks, một trong những công ty uy tín về quản trị dữ liệu, cho biết, với internet dữ liệu xuất hiện xung quanh con người và cho thấy rất nhiều điều về con người, trong khi bản thân con người lại không biết nhiều về dữ liệu.

Theo ông Pierre Bonnet, dữ liệu về con người và cuộc sống xung quanh một người, một nhóm người có thể được thu thập về lưu trữ ở bất cứ đâu trên thế giới, thông qua hệ thống internet, mạng xã hội, những tiện ích khác... mà họ chưa hiểu để kiểm soát được. Lượng dữ liệu thu thập đó đến một thời điểm nhất định sẽ có khả năng kiểm soát được cá nhân hay nhóm người liên quan đến dữ liệu.

"Nếu không có sự kiểm soát tốt về dữ liệu sẽ đến một thời điểm dữ liệu kiểm soát con người thay vì con người có thể kiểm soát dữ liệu", ông Pierre khẳng định.

Dữ liệu là thành phần cực kỳ quan trọng. Với hơn 60% người dân sử dụng internet, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 16 trên thế giới về số lượng người sử dụng internet cùng với đó là lượng dữ liệu cực lớn. Tuy nhiên, ông Pierre đánh giá, đa số doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan tại Việt Nam chưa nắm được cách quản trị được dữ liệu đó.

Ranh giới giữa việc khai thác dữ liệu và xâm phạm đời tư rất mờ nhạt. Một loạt các vụ việc rò rỉ thông tin khách hàng của các doanh nghiệp thương mại điện tử trong năm qua là minh chứng rõ rệt.

Theo đó, chính phủ các nước và giới lập pháp đã có những biện pháp cứng rắn hơn về việc thay đổi các thiết lập quyền riêng tư của cá nhân. Mọi người đổ xô vào các công cụ bảo mật trực tuyến để chặn các trình theo dõi sau mỗi lần nhấp chuột, các công ty thuê thêm chuyên gia về quyền riêng tư và giới chính trị gia đấu tranh để buộc các công ty phải cởi mở hơn về cách họ sử dụng dữ liệu của người dùng.

Hành động đầu tiên thể hiện nhận thức về quyền riêng tư khác là Quy định bảo vệ dữ liệu chung của Liên minh châu Âu (GDPR) có hiệu lực vào ngày 25/5/2018, buộc các công ty công nghệ phải tuân thủ các tiêu chuẩn bảo mật mới cho công dân EU. Điều này cho phép người dùng kiểm soát nhiều hơn về cách các công ty thu thập dữ liệu của họ.

Tại Việt Nam, nhằm tạo môi trường internet lành mạnh cho hệ sinh thái số, Luật An ninh mạng đã được ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2019 và Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cũng đang được Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu xây dựng.

Theo đó, Luật An ninh mạng sẽ siết chặt hơn nữa các hoạt động trên môi trường mạng, với nhiều điều luật nghiêm cấm các hành vi gây mất an ninh mạng đồng thời sẽ xử phạt theo các quy định của pháp luật. Điều này cũng đòi hỏi mỗi người sử dụng mạng Internet phải hiểu về quyền và có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật, để xây dựng xã hội số an toàn, an ninh hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước