Đã có cách xác định chính xác đối tượng lừa đảo qua trạm thu phát sóng giả

Phi Long-Thứ tư, ngày 05/07/2023 19:56 GMT+7

VTV.vn - Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp tích cực với các cơ quan chức năng để ngăn chặn các đối tượng lừa đảo sử dụng các trạm thu phát sóng giả mạo danh tin nhắn.

Tại họp báo thường kỳ diễn ra chiều nay (5/7), Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao đổi với các cơ quan báo chí về những vấn đề liên quan đến hoạt động của Bộ, của ngành Thông tin và Truyền thông đang được báo chí và dư luận quan tâm. Theo đó, Bộ ghi nhận tình trạng một số đối tượng sử dụng các trạm thu phát sóng (BTS) giả để mạo danh tin nhắn tổ chức tài chính, ngân hàng lừa đảo người dùng vẫn tiếp tục tái diễn.

Khó khăn trong theo dõi và bắt quả tang các đối tượng lừa đảo sử dụng trạm thu phát sóng giả

Việc theo dõi, bắt quả tang các đối tượng gặp không ít khó khăn. Theo ông Trần Mạnh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, các đối tượng thường sử dụng thiết bị BTS giả nhỏ gọn, cơ động, dễ dàng mang theo. Các thiết bị BTS giả này được nhập lậu qua con đường tiểu ngạch, chúng thường rất nhỏ gọn nên các cơ quan chức năng rất khó có thể phát hiện trong quá trình thanh kiểm tra.

Đã có cách xác định chính xác đối tượng lừa đảo qua trạm thu phát sóng giả - Ảnh 1.

Ông Trần Mạnh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện - phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông

"Các thiết bị BTS giả được các đối tượng lừa đảo đưa vào sử dụng trên các phương tiện di động như tàu, ô tô hay thậm chí là xe máy, thay đổi liên tục nhiều địa điểm, vị trí trên nhiều tuyến phố, quận nội thành, nơi đông người và chỉ dừng di chuyển trong thời gian ngắn để phát tán tin nhắn nên việc xác định, phát hiện nguồn tín hiệu của BTS giả rất phức tạp, mất nhiều thời gian, nhân lực" - ông Trần Mạnh Tuấn nhấn mạnh.

Giải thích về nguyên nhân vì sao các trạm BTS giả có thể lừa người dùng, ông Trần Mạnh Tuấn cho biết: "Khi thuê bao di động đến gần BTS giả, do chịu cường độ sóng giả mạnh, thuê bao bị tạm chuyển sang trạm giả quản lý, bằng cách hạ tín hiệu 4G xuống 2G để gửi tin nhắn phục vụ mục đích của các đối tượng xấu. Đây lỗ hổng bảo mật của công nghệ di động GSM 2G, chỉ yêu cầu mạng xác thực người dùng chứ không yêu cầu người dùng xác thực lại mạng, vậy nên bị kẻ xấu lợi dụng để phát tán tin nhắn giả mạo. Nhiều quốc gia đang dùng GSM 2G cũng gặp phải thách thức này".

Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp tích cực với các cơ quan chức năng có liên quan. Cụ thể, Bộ đã phối hợp với Bộ Công thương để tăng cường kiểm soát chặt chẽ, không cho phép xuất hiện quảng cáo và bán các thiết bị BTS giả trên sàn thương mại điện tử.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan hải quan để phát hiện tình trạng nhập lậu BTS. Bên cạnh đó, các tổ chức ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán cũng tham gia bằng cách xác thực thông tin, định danh khách hàng khi thực hiện các giao dịch.

Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông còn chỉ đạo các Sở để kiểm tra, phát hiện những tổ chức, cá nhân để phát hiện các thiết bị BTS giả tại địa phương.

Đã có cách xác định đối tượng lừa đảo qua trạm thu phát sóng giả

Tại buổi họp báo, ông Trần Mạnh Tuấn cho biết đã có giải pháp giúp phát hiện chính xác đối tượng lừa đảo bật thiết bị phát sóng giả mạo. Theo đó, khi trạm BTS giả hoạt động, các nhà mạng sẽ khoanh vùng hoạt động của trạm BTS này. Sau đó, các chuyên gia kỹ thuật của Cục Tần số vô tuyến điện sẽ tham gia khoanh vùng và định vị chính xác vị trí mà BTS giả hoạt động và phối hợp với cơ quan công an để bắt tại chỗ các đối tượng lừa đảo.

Đã có cách xác định chính xác đối tượng lừa đảo qua trạm thu phát sóng giả - Ảnh 2.

Ông Trần Mạnh Tuấn cho biết đã có giải pháp giúp phát hiện chính xác đối tượng lừa đảo sử dụng trạm BTS giả

Theo Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, phương pháp này hoạt động rất hiệu quả trong thời gian qua khi giúp các cơ quan chức năng xác định và bắt giữ 24 vụ lừa đảo qua trạm BTS giả từ năm 2022 đến nay, bao gồm 9 vụ trong năm 2022 và 15 vụ trong năm 2023.

Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật trong việc xử lý tình trạng trạm BTS giả nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc cho các mục đích xấu, Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo, khi thấy có dấu hiệu sai phạm hoặc phát hiện được các đối tượng có hành vi lắp đặt, sử dụng trạm BTS giả, người dân cần nhanh chóng trình báo cơ quan chức năng nơi gần nhất để kịp thời vào cuộc xử lý.

Cảnh giác trước chiêu trò giả mạo biên lai chuyển tiền thành công Cảnh giác trước chiêu trò giả mạo biên lai chuyển tiền thành công

VTV.vn- Để tránh bị lừa đảo, người dân nếu giao dịch qua tài khoản ngân hàng cần lưu ý kỹ hóa đơn chuyển khoản, không giao hàng hóa cho bất kỳ ai khi chưa nhận được tiền tài khoản.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước