Tại vòng chung kết toàn quốc Cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam - Robocon Việt Nam 2019, đội tuyển LH-WAO của Đại học Lạc Hồng đã xuất sắc vượt qua các đội tuyển khác để giành ngôi vô địch. Với chiến thắng tuyệt đối Uukhai trong thời gian 24 giây, duy trì thành tích liên tiếp trong cả ba trận Tứ kết - Bán kết - Chung kết của Robocon Việt Nam 2019, LH-WAO hoàn toàn xứng đáng trở thành đại diện của Việt Nam tham dự Cuộc thi Sáng tạo Robot châu Á - Thái Bình Dương - ABU Robocon 2019 diễn ra tại Mông Cổ ngày 25/8.
Đáng chú ý là robot điều khiển tự động - MR2 của LH-WAO không giống với bất kỳ thiết kế robot nào của các đội khác. MR2 của nhà vô địch được thiết kế như một động vật 4 chân cỡ nhỏ với những pha nhảy qua chướng ngại vật ấn tượng như một chú ngựa phi qua rào.
Mặc dù đạt được thành tích ấn tượng tại vòng thi trong nước, tuy nhiên, khi bước vào đấu trường quốc tế, cơ cấu chính của MR2 đã được LH-WAO thay đổi hoàn toàn. Thay vì động tác bật nhảy quen thuộc, MR2 đã được cải tiến bằng cách sử dụng cơ cấu bật móng.
Đây là ý tưởng thiết kế được kế thừa từ một đội "anh em" của LH-WAO tại Đại học Lạc Hồng. Nếu từng theo dõi vòng chung kết Robocon Việt Nam 2019, khán giả hẳn không thể quên được robot MR2 của một đội tuyển đến từ Đại học Lạc Hồng với những bước di chuyển nhanh thoăn thoắt nhưng vô cùng vững chắc, giống như một chú mãnh sư. Đáng chú ý là khi tới các chướng ngại vật, robot này tự động gập hai chân trước xuống để vượt qua.
Có thể thấy, MR2 mới của LH-WAO là sự kết hợp tinh hoa của những thiết kế ưu việt nhất đến từ các tài năng trẻ của Đại học Lạc Hồng. Tuy nhiên, không chỉ MR2 được cải tiến, nhân vật giữ vai trò quyết định cho phép MR2 leo lên đỉnh núi Urtuu, chính là MR1, cũng được nâng cấp.
Với đề thi Robocon năm nay, yếu tố may mắn khi ném Shagai quyết định khá nhiều đến chiến thắng của các đội tuyển. Chính lúc này, hoạt động của MR1 đóng vai trò rất lớn trong việc mang tới chiến thắng cho toàn đội. LH-WAO đã quyết định thay đổi toàn bộ cơ cấu động cơ và bánh xe của MR1. Họ dùng 8 động cơ để điều khiển 4 bánh xe, đảm bảo tính linh động, giảm thiểu ma sát của bánh.
Công nghệ bánh xe thời kỳ đầu của Robocon là những chiếc bánh không đảo hướng. Một vài năm trở lại đây, những chiếc bánh xe này được thay thế bằng bánh xe đa hướng Omni. Tuy nhiên, năm nay, Lạc Hồng đã nâng công nghệ lên một bậc nữa khi sử dụng bánh xe không đảo hướng nhưng tích hợp bộ điều hướng cho từng bánh như xe hơi.
Theo đại diện của Đại học Lạc Hồng, mục đích khi đi thi tại vòng quốc tế không phải là chuyện thắng thua. Điều quan trọng nhất là khi đi ra quốc tế, đại diện Việt Nam mang tới một sản phẩm để bạn bè quốc tế nhìn vào sẽ thấy có sự sáng tạo. Từ đó, họ sẽ đánh giá cao năng lực của sinh viên Việt Nam, đánh giá cao nền khoa học công nghệ của Việt Nam.
Cuộc thi Sáng tạo Robot châu Á - Thái Bình Dương - ABU Robocon 2019 được tổ chức tại thành phố Ulaanbaatar, Mông Cổ vào ngày 25/8/2019. Tranh tài tại cuộc thi là 17 đội tuyển đại diện cho 16 quốc gia và khu vực, trong đó, Mông Cổ có 2 đội tuyển đại diện cho quốc gia đăng cai tham dự. Với thành tích xuất sắc tại vòng toàn quốc, đội tuyển LH-WAO của Đại học Lạc Hồng đã trở thành đại diện của Việt Nam tham dự ABU Robocon 2019.
Mọi thông tin chi tiết và diễn biến các trận đấu tại ABU Robocon 2019 sẽ được cập nhật trực tuyến trên trang chủ của Robocon Việt Nam 2019 (Robocon2019.vtv.vn) Báo điện tử VTV News (VTV.vn) và fanpage VTV2 Chất lượng cuộc sống. Mời quý vị chú ý theo dõi!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!