Thế giới đang bước vào một kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với sự chi phối của trí tuệ nhân tạo và khả năng kết nối vạn vật qua Internet.
Cuộc cách mạng đang mang đến cơ hội để thay đổi bộ mặt nhiều nền kinh tế, nhưng nó cũng tiềm ẩn những rủi ro khôn lường. Những câu hỏi lớn đang đặt ra. Khi máy móc và trí tuệ nhân tạo phát triển, người lao động sẽ phải thay đổi như thế nào để không rơi vào cảnh thất nghiệp? Những kỹ năng nghề, đặc biệt là nghề truyền thống, sẽ cần thích nghi như thế nào để tồn tại?
Công ty công nghệ sơn Glasurit đến từ Đức, không bỏ lỡ kỳ thi tay nghề thế giới nào. Là đơn vị hàng đầu về giải pháp sơn màu xe ô tô, các công việc này trước đây chỉ sử dụng lao động thủ công. Nhưng giờ, họ cần những người có đầu óc để chỉ đạo máy tính và robot làm việc đó.
Nghề bảo dưỡng máy bay lại khác, luôn đòi hỏi những kỹ năng khó nhất và hầu như không thể thay thế bằng máy móc. Nhưng điều đó cũng có nghĩa, mỗi năm người ta sẽ cần những thợ nghề có sức sáng tạo vượt trên máy móc.
3/4 lao động giá rẻ tại các nước đang phát triển được cho là sẽ bị thay thế bởi robot, hoặc không còn cần thiết trong kỷ nguyên số. Để thích ứng tại cuộc thi Tay nghề thế giới vừa được tổ chức tại Abu Dhabi (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất), 51 nghề kỹ năng trong nội dung thi cũng đã có nhiều thay đổi, phần nhiều cần tương tác với máy tính. Khi đó, nguồn lực lao động giá rẻ tại các nước như Việt Nam sẽ không còn là lợi thế.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang tới một thế giới số, tự động hóa nhưng ở đó vẫn không thể thiếu bàn tay khối óc con người. Vậy nên, thích ứng để phát triển ở mức độ cao hơn là yêu cầu bắt buộc. Đó là lý do mà nhiều quốc gia trong đó có nước chủ nhà Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã cam kết đưa đào tạo nghề thành mục tiêu phát triển chiến lược trong 5 năm tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!