TS. Võ Chí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện quản lý kinh tế TW phát biểu tại Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin – Truyền thông Việt Nam 2017
Hôm nay (6/9), Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin – Truyền thông Việt Nam 2017 (Vietnam ICT Summit 2017) đã khai mạc mang chủ đề Việt Nam – Chuyển đổi số trong CMCN lần thứ tư.
Chủ đề về cuộc CMCN 4.0 cùng những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam đã được đặt ra tại Vietnam ICT Summit 2016. Chương trình đã có những tác động không nhỏ đến nhận thức và hành động của các cấp các ngành cũng như một số lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế. Có thể thấy, cuộc CMCN 4.0 đang hiện hữu ngày càng rõ nét hơn với những tác động mạnh mẽ đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu cũng như tại Việt Nam.
Trong Báo cáo đề dẫn của Diễn đàn có tên gọi "Con tàu CMCN 4.0. Thế giới lên tàu! Việt Nam bỏ lỡ?", TS. Võ Chí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện quản lý kinh tế TW đã trình bày về sự bùng nổ của CMCN 4.0 trên thế giới, những tác động tới Việt Nam và những giải pháp hiệu quả giúp Việt Nam tiếp cận, tiến nhanh, tiến mạnh trong cuộc cách mạng này.
"Việt Nam đã bỏ lỡ 3 cuộc cách mạng rồi, liệu lần này có bỏ lỡ nữa không? Đó là điều trăn trở nhất trong phần phát biểu của tôi. Đây là cuộc cách mạng thực sự bởi có tới 3 cuộc cách mạng trong đó. Đầu tiên, chưa bao giờ chúng ta có được cách kết nối và tương tác như bây giờ: Quy mô lớn, theo thời gian thực và có hiệu quả. Cách mạng thứ 2 là có rất nhiều công nghệ và khoa học hỗ trợ như IoT, robot, in 3D, vật liệu mới, năng lượng… Cuộc cách mạng thứ 3 là tác động lớn về mọi mặt kinh tế, chính trị - xã hội, văn hóa, khoa học… Cho nên từ cuộc Cách mạng Công nghiệp chưa mô tả đầy đủ tác động mà chúng ta đã đang và sẽ cảm nhận. Tác động của nó lớn đến mức mà có thể coi đây là nền tảng mà tất cả các quốc gia cạnh tranh trong phát triển với nhau" - TS. Võ Chí Thành nhấn mạnh.
Theo ông Thành, Việt Nam cũng đã tích cực đẩy mạnh thực hiện cuộc CMCN 4.0. Các Nghị quyết của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin và Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đều coi công nghệ thông tin là phương thức phát triển mới. Bên cạnh đó, Việt Nam sở hữu nền tảng xã hội phù hợp để thực hiện cuộc CMCN 4.0 với 55% người dân sử dụng internet và khoảng 60% người dân sử dụng smartphone. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam có khát vọng, dũng khí và sự dấn thân để thành công trong cuộc CMCN 4.0. Dù vậy, mức độ sẵn sàng cho cuộc cách mạng này của Việt Nam là thấp hơn so với ASEAN-5 trong khi nguồn nhân lực có chất lượng và hạ tầng vẫn là vấn đề lớn mà chúng ta cần giải quyết.
Cũng tại diễn đàn, đại diện Microsoft đã chia sẻ về những thách thức khi đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đó là: dữ liệu và thông tin tăng tốc kỷ lục; Giải pháp điều khiển dữ liệu trở nên tiềm năng để chuyển đổi mọi lĩnh vực hoặc nền công nghiệp; điện toán đám mây trở thành xu hướng tất yếu với mọi tổ chức và doanh nghiệp.
"Trước ngưỡng cửa cuộc CMCN 4.0, các DN cần nắm bắt lợi thế của chuyển đổi số, từ đó có thể nâng cao hiệu suất vận hành doanh nghiệp từ những công cụ vượt trội của điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và IoT", Ông Phạm Trần Anh, Phó tổng giám đốc khối khách hàng DN và đối tác chiến lược, Microsoft Việt Nam chia sẻ.
Trong khuôn khổ diễn đàn, VINASA đã tiến hành khảo sát nhanh gần 250 doanh nghiệp, tổ chức tham gia sự kiện hôm nay, kết quả đem lại những thông tin hết sức tích cực: 35.2% tổ chức đã chuẩn bị và sẵn sàng cho CMCN lần thứ 4, 58.7% đã tìm hiểu nhưng chuẩn bị sẵn sàng hoặc chưa biết chuẩn bị gì, chỉ có 6.1% là không hiểu gì và chưa biết chuẩn bị như thế nào.
Khảo sát cũng chỉ ra những lợi thế, những giải pháp hiệu quả và những ngành Việt Nam có thể tiếp cận hiệu quả và thành công CMCN 4.0. Theo đó, những doanh nghiệp, tổ chức cho rằng nguồn nhân lực (77.7%), Nhận thức & Quyết tâm hành động của Chính phủ (70.4%), và Hạ tầng CNTT & Viễn thông (59.1%) là những lợi thế lớn của Việt Nam trong cuộc cách mạng này. Để hiện cụ thể hóa những lợi thế này Việt Nam cần triển khai 03 giải pháp quan trọng như sau: Đào tạo nguồn nhân lực (81.8%), thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn nền kinh tế (70%), thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo (53%). Các doanh nghiệp, tổ chức cũng đề xuất, Việt Nam nên tập trung vào một số ngành nước ta có lợi thế trong CMCN 4.0 bao gồm: CNTT (89.9%), Du lịch (45.7%), Nông nghiệp (44.9%), Tài chính, Ngân hàng (47%) và logistic (28.3%).
Sau phiên khai mạc, Diễn đàn đã lần lượt thảo luận theo 4 tọa đàm chuyên sâu nhằm tập trung trao đổi, thảo luận về xu thế, chiến lược và các giải pháp để Việt Nam tiếp cận CMCN 4.0: Tọa đàm 1: "Nhận thức về Việt Nam 4.0"; Tọa đàm 2: "Thế mạnh kinh tế số Việt Nam – Công nghiệp số, Nông nghiệp thông minh, Du lịch thông minh"; Tọa đàm 3: "Thành phố thông minh/Smart City"; Tọa đàm 4: "Nhân lực số, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp".