Dấu hiệu nhận biết điện thoại nghi bị cài phần mềm nghe lén

Việt Linh -Thứ tư, ngày 25/06/2014 10:52 GMT+7

Điện thoại nóng hơn thông thường, pin nhanh hết hơn hay cước 3G đột ngột tăng cao... là một số dấu hiệu nghi ngờ điện thoại của bạn bị cài phần mềm nghe lén.

Không xuất hiện biểu tượng ngoài màn hình, ẩn mình trong hệ thống, phần mềm Ptracker âm thầm, lặng lẽ truyền tải những thông tin cá nhân trên chiếc điện thoại về server máy chủ. Và cũng chỉ cần cung cấp tiền để mua một tài khoản, bất cứ lúc nào, bất cứ ai cũng có quyền truy cập vào kho dữ liệu này.

Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Phụ trách An ninh mạng BKAV cho biết: “Khi phần mềm nghe lén được cài đặt trong điện thoại của người sử dụng, toàn bộ những thông tin trên điện thoại thì tội phạm mạng có thể kiểm soát ví dụ như thông tin danh bạ điện thoại, địa chỉ email, thông tin về tài khoản ngân hàng nếu mà người sử dụng có lưu trữ trên điện thoại. Từ khi bị cài đặt phần mềm giám sát và nghe lén đó, tất cả tin nhắn và điện thoại thì đều có khả năng bị tội phạm mạng theo dõi”.

Không chỉ sao lưu dữ liệu cá nhân trên điện thoại, người sử dụng còn có thể ra lệnh điều khiển từ xa điện thoại bị cài Ptracker bằng cách nhắn tin tới điện thoại này. Dù khách hàng có mua phần mềm hay chỉ cài bản dùng thử của phần mềm thì chiếc điện thoại đều bị chiếm quyền điều khiển. Nghiêm trọng hơn, toàn bộ dữ liệu sẽ được sao lưu trên hệ thống máy chủ để khai thác. Cho đến nay, số lượng tài khoản đã từng bị cài phần mềm Ptracker là hơn 14.000, trong đó có gần 7.500 tài khoản chưa được xóa dữ liệu trong máy chủ. Sau gần một năm đưa vào hoạt động, số tiền công ty Việt Hồng thu được của khách hàng là gần 1 tỷ đồng.

Ông Ngô Tuấn Anh cho biết thêm: “Khi mà chúng ta cảm thấy máy điện thoại của chúng ta có sự nghi ngờ, ví dụ như điện thoại của chúng ta nóng hơn thông thường, pin nhanh hết hơn hay cước 3G đột ngột tăng cao... Đó là một số triệu chứng nghi ngờ mà người sử dụng có thể kiểm tra xem điện thoại của chúng ta có vấn đề hay không?”.

Ông Nguyễn Văn Minh, Chánh thanh tra Sở Thông tin và truyền thông thành phố Hà Nội nói: “Từ trước đến nay, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý rất nhiều vụ. Tuy nhiên, phần mềm trước đây phải sử dụng máy điện thoại mang đến cho người có kĩ thuật để cài. Thế nhưng bây giờ phần mềm bây giờ theo đánh giá của chúng tôi là nguy hiểm hơn rất nhiều so với phần mềm cũ. Hướng quản lý của cơ quan chức năng đó là tiếp tục theo dõi các tổ chức cá nhân sản xuất phần mềm như thế này để thanh tra, kiểm tra và xử lý, đặc biệt là theo dõi chặt chẽ hơn đối với các doanh nghiệp đã có hướng vi phạm trước đây”.

Để tránh bị cài những phần mềm độc hại, các chuyên gia công nghệ thông tin cũng khuyến cáo, người sử dụng điện thoại di động cũng nên cẩn thận hơn trong việc cho người khác sử dụng chiếc điện thoại cá nhân, sử dụng những phần mềm từ kho ứng dụng chính thống, không nên sử dụng những phần mềm không đáng tin cậy, cần trang bị những phần mềm an ninh trên điện thoại để phát hiện và phóng tránh.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước