Người dùng di động sẽ buộc phải sử dụng Messenger để chat với bạn bè trên Facebook
Từ trước đến nay, nhiều người dùng vẫn quen với việc sử dụng mạng xã hội Facebook trên trình duyệt web của các thiết bị di động như điện thoại hay máy tính bảng và chat với bạn bè trực tiếp trên trình duyệt thay vì sử dụng ứng dụng Facebook Messenger. Tuy nhiên, phương pháp này sẽ sớm không còn tác dụng bởi Facebook đang buộc người dùng di động phải sử dụng ứng dụng chat của hãng nếu muốn tiếp tục nhắn tin với bạn bè trên mạng xã hội.
Nhiều người dùng đã tránh hoàn toàn việc sử dụng Facebook Messenger để ngăn ứng dụng truy cập dữ liệu cá nhân trên điện thoại của họ bao gồm danh bạ, e-mail… Ngoài ra, một số người dùng cho rằng việc chạy Facebook Messenger ở chế độ nền còn ảnh hưởng tới tuổi thọ pin của thiết bị.
Trong khi đó, Facebook giải thích rằng việc buộc người dùng chuyển sang sử dụng ứng dụng Messenger nhằm mang đến “trải nghiệm tốt nhất” cho người dùng. Lời giải thích này giống với lời tuyên bố của Facebook khi tách tính năng Messenger ra khỏi ứng dụng Facebook.
“Hai năm trước, Facebook đã chuyển tính năng nhắn tin ra khỏi ứng dụng Facebook và trở thành ứng dụng Messenger” - phát ngôn viên của Facebook giải thích - “Kể từ đó, chúng tôi đã cố gắng hết mình để biến Messenger thành phương tiện tốt nhất giúp kết nối bạn với những người mà bạn quan tâm thông qua các tính năng bổ sung như gọi video, ảnh GIF, biểu tượng cảm xúc mới… Ứng dụng Messenger ngày càng hoạt động nhanh hơn với độ tương tác cao hơn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục nỗ lực mang trải nghiệm tốt nhất tới 900 triệu người dùng trên Messenger”.
Ứng dụng Facebook Messenger đã đạt tới 900 triệu người dùng mỗi tháng
Tuy nhiên, Facebook vẫn chưa đề cập đến việc cài một ứng dụng trên màn hình thiết bị người dùng đem lại nhiều lợi ích hơn cho hãng so với việc giữ tính năng này trên phiên bản web. Thông qua ứng dụng Messenger, Facebook sẽ có thể truy cập vào nhiều thông tin của người dùng hơn trên di động. Ngoài ra, với vai trò là một ứng dụng, Facebook Messenger có thể gửi các thông báo tới thiết bị và khuyến khích người dùng mở những thông báo này. Điều đó đồng nghĩa với việc Messenger sẽ có thể trở thành dịch vụ tin nhắn mà Facebook đang hướng tới hoặc đã chiếm đoạt được như Telegram Messenger hay WhatsApp.
Messenger cũng sẽ là bước đệm giúp Facebook tiến tới việc tách riêng các sản phẩm của công ty. Trong thời gian qua, Facebook đã liên tục tạo ra nhiều sản phẩm mới và mua lại rất nhiều công ty, bao gồm cả một số công ty cạnh tranh với chính Facebook như WhatsApp. Thay vì gộp chung mọi sự ưu việt cho ứng dụng Facebook, mỗi công ty này vẫn tiếp tục phát triển những ứng dụng của riêng mình với những tính năng riêng. Việc phát triển nhiều ứng dụng riêng biệt có thể giúp Facebook mở rộng phạm vi phát triển và tăng sức hút đối với những người dùng di động mới.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.