Đây là thỏa thuận đầu tiên kiểu như vậy của Facebook tại quốc gia Nam Á này.
Theo tuyên bố chung của Facebook và CleanMax, nhà máy điện gió công suất 32 MW sẽ được đặt tại bang Karnataka ở miền Nam Ấn Độ, là một phần trong dự án lớn hơn về điện gió và điện Mặt Trời mà 2 công ty đang hợp tác nhằm cung cấp năng lượng tái tạo cho mạng lưới điện của Ấn Độ. CleanMax sẽ sở hữu và vận hành các dự án trên, trong khi Facebook sẽ mua điện từ mạng lưới điện của Ấn Độ. Người đứng đầu mảng năng lượng tái tạo của Facebook, bà Urvi Parekh cho biết công ty công nghệ này thường không sở hữu các nhà máy điện, thay vào đó ký thỏa thuận mua điện "dài hạn" với công ty năng lượng tái tạo. Theo bà, điều này sẽ giúp các dự án có thể tìm kiếm được nguồn vốn cần thiết.
Ấn Độ hiện là thị trường lớn nhất của Facebook về lượng người sử dụng.
Trong khi đó, tại Singapore, Facebook cũng đã thông báo các thỏa thuận hợp tác tương tự với các nhà cung cấp năng lượng như Sunseap Group, Terrenus Energy và Sembcorp Industries, trong đó có thể sản xuất 160 MW điện mặt trời. Điện từ các nhà máy này sẽ được cung cấp cho trung tâm dữ liệu đầu tiên của Facebook tại châu Á và được đặt tại Singapore, cơ sở dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm sau.
Năm ngoái, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết các trung tâm dữ liệu đã khiến các công ty công nghệ như Facebook tiêu tốn khoảng 1% tổng lượng điện trên toàn cầu.
Các công ty công nghệ như Amazon, Alphabet Inc và Microsoft đã cam kết sẽ tiến tới hoạt động không phát thải khí carbon và đạt được mức phát thải ròng bằng 0, trong bối cảnh nhu cầu về dữ liệu và dịch vụ kỹ thuật số dự kiến sẽ tăng bền vững.
Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg ngày 15/4 đã tuyên bố rằng, hoạt động toàn cầu của công ty này hiện đang được vận hành hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo và đã đạt mức phát thải ròng bằng 0.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!