Philippines là quốc gia mới nhất phát đi một yêu cầu chính thức, khi các nhà chức trách cho rằng CEO Facebook Mark Zuckerberg đã không giải thích đầy đủ những chuyện xảy ra, trang CNN Money cho hay.
Uỷ ban Bảo mật Quốc gia Philippines cho biết có nhận được thông tin từ Facebook toàn cầu và đại diện Facebook tại Philippines về sự việc liên quan đến vụ rò rỉ thông tin người dùng. Tuy nhiên, Uỷ ban này cho rằng các phản hồi còn chung chung và chưa đầy đủ để thoả mãn mối lo ngại của người dùng Facebook tại Philippines, thông báo được chính phủ đăng lên hôm thứ Sáu tuần này.
Facebook hồi tuần trước thừa nhận gần 1,2 triệu người dùng tại Philippines có thể bị Cambridge Analytica thu thập thông tin, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác ngoài Mỹ.
"Chúng tôi nghiêm túc cam đoan bảo vệ thông tin người dùng. Chúng tôi hiện phối hợp với Uỷ ban Bảo mật Quốc gia Philipine trong việc này", Facebook viết trong một thông báo.
Mạng xã hội lớn nhất thế giới cho biết có 87 triệu người dùng trên toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi scandal thu thập thông tin, cao hơn nhiều so với dự đoán. Cambridge Analytica không đồng ý con số này.
Hồi tuần trước cả Indonesia và Úc đều cho biết sẽ điều tra Facebook. Tương tự, Philippines khẳng định sẽ điều tra vụ thu thập thông tin có vi phạm luật riêng tư của nước này hay không.
Uỷ ban về bảo mật của Philippines ra thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo của Facebook để mạng xã hội này cung cấp thêm các tài liệu về cách công ty đã thu thập dữ liệu từ người dùng Philippines. Uỷ ban cũng yêu cầu Facebook cung cấp chi tiết về những ảnh hưởng của người dùng tại Philippines trong vụ Cambridge Analytica.
Bộ trưởng truyền thông Indonesia hồi tuần trước nói với CNN Money rằng, sẽ đóng cửa Facebook tại đây nếu mạng xã hội này giải quyết vụ scandal không thoả đáng. Indonesia cũng có hơn 1 triệu người dùng có thể bị ảnh hưởng trong vụ Cambridge Analytica.
Các nước có lượng người dùng bị ảnh hưởng nhiều trong vụ scandal này gồm có Vương quốc Anh, Mexico, Canada, Ấn Độ, Brazil và Việt Nam.
Trong phiên điều trần hồi tuần này với Quốc hội Mỹ, CEO Facebook Mark Zuckerberg thừa nhận công ty ông đã phạm sai lầm lớn bởi không có cái nhìn rộng rãi về trách nhiệm của công ty.
Nhưng khi được hỏi liệu Facebook có cam đoan giảm đến tối thiểu việc thu thập thông tin người dùng hay không, ông chủ Facebook trả lời: "Đây là vấn đề phức tạp không thể trả lời trong một từ".
Zuckerberg thừa nhận trong phiên điều trần rằng chính dữ liệu về ông cũng được chia sẻ với Cambridge Analytica.