Hàn Quốc vốn được coi là một thỏi nam châm thu hút ngành công nghiệp trò chơi điện tử. Các cửa hàng và quán cà phê tại đây luôn cung cấp những trò chơi mới nhất, hiện đại nhất, thu hút người chơi.
Chơi điện tử là một sở thích ở Hàn Quốc, thậm chí nó là một cách kiếm sống. Nhiều môn thể thao vốn được chơi trên sân hay ở ngoài trời thì giờ đây lại chỉ cần thông qua màn hình máy tính. Những sự kiện như triển lãm G-star 2014 liên tục tung ra các trò chơi mới, thu hút tới 200.00 người tham gia chỉ trong vòng 4 ngày.
Anh Lee Min-Chul, lập trình viên công ty game Kiwiple, cho biết: “Tất cả chúng tôi đều tham gia chơi điện tử dù là ở nhiều độ tuổi khác nhau, chức vụ cũng khác nhau, từ giám đốc, nhà quản lý, trợ lý như tôi và cả các nhân viên. Từ khi chúng tôi thu hút được nhiều người chơi, câu lạc bộ game đã được thành lập và hoạt động rất tốt”.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người ở Hàn Quốc lại có ý kiến trái chiều bởi họ lo ngại về mức độ bạo lực trong các trò chơi và có thể gây nghiện.
Chị Park Su-ja, phụ huynh học sinh nói: “Thanh thiếu niên đôi khi bị nhầm lẫn giữa hiện thực với thế giới ảo trong game. Họ quá say mê vào các trò chơi”.
Chính phủ Hàn Quốc đang xem xét 2 dự luật về hạn chế quảng cáo và đánh thuế doanh thu của ngành công nghiệp trò chơi điện tử. Điều này đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các bậc cha mẹ, các bác sĩ. Ngoài ra, năm 2011, chính phủ Hàn Quốc đã thông qua “Luật đóng cửa”, cấm trẻ em dưới 16 tuổi không chơi điện tử từ nửa đêm tới bình minh.
Chị Cho Hyun-Seob, người đứng đầu trung tâm tư vấn cai nghiện Internet cho biết: “Học sinh là những người đang trong quá trình phát triển, vì vậy, họ không thể tự kiểm soát bản thân. Đó là lý do vì sao tôi đồng ý với các quy định mạnh tay như “Luật đóng cửa”.
Theo số liệu mới được công bố gần đây của Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin Hàn Quốc, có khoảng 7% dân số Hàn Quốc nghiện Internet, trong đó có tới 1/10 là các thanh thiếu niên.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.