Game online: Doanh thu lớn nhưng chưa đem lại ích lợi cho quốc gia?

Sơn Hà - Kiều Minh-Thứ ba, ngày 04/03/2014 18:33 GMT+7

Sau sự ồn ào của trò chơi Flappy Bird với con số doanh thu ước tính hơn 1 tỷ đồng/ngày, dư luận và các cơ quan quản lý nhà nước bắt đầu quan tâm tới doanh số khổng lồ mà các ứng dụng trò chơi điện tử có thể mang lại.

Tuy nhiên, hiện tượng Flappy Bird chỉ đại diện cho sự thành công hiếm hoi của 1 cá nhân phát triển trò chơi cho thiết bị di động. Còn ngành công nghiệp phát triển game của Việt Nam đang ở đâu cũng như nhà nước có thu lợi được gì từ thị trường trò chơi trực tuyến có doanh thu lên đến cả tỷ USD hàng năm và được xếp vào 1 trong 10 thị trường phát triển nhanh hàng đầu thế giới thì lại là một chuyện khác hẳn.

Các cửa hàng trò chơi, Internet trên phố Lê Thanh Nghị, Hà Nội lúc nào cũng tấp nập người chơi. Đối với những trò chơi đang hút khách hiện nay như Fifa online, Phi đội, Đột kích và nhiều game khác do VTC phát hành, hiện đang có khoảng 12 triệu tài khoản hoạt động thường xuyên. Thử làm phép tính, nếu trung bình 1 tài khoản trò chơi dược nạp 50.000 đồng/tháng, mỗi tháng, doanh thu của nhà phát hành này tương đương 600 tỷ đồng.

Trong cuộc kiểm tra mới đây của Tổng cục Thuế đối với một doanh nghiệp lớn hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, trò chơi trực tuyến tại TP.HCM, doanh thu tạm tính của của doanh nghiệp này của cả ba quý năm 2013 ngót nghét 1500 tỷ đồng, nhưng số thuế thu nhập doanh nghiệp nộp vào ngân sách lại rất nhỏ.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Thuế cho biết: “Qua kiểm tra của Cục Thuế Hà Nội và Cục Thuế TP. HCM, doanh thu của game online, doanh thu đây người ta tự kê khai là rất lớn, nhưng thuế giá trị gia tăng kê khai rất nhỏ và đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp gần như chỉ vài chục triệu, thậm chí rất nhiều doanh nghiệp lỗ”.

Thị trường lớn, tiềm năng nhiều nhưng cơ quan thuế không thu được thuế là một lẽ, bản thân các nhà phát hành game Việt Nam dù có né thuế cũng vẫn phải chi rất nhiều ngoại tệ để nhập khẩu game từ nước ngoài. Cụ thể, hơn 90% trò chơi trực tuyến đang được phát hành tại Việt Nam đều nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc. Hàng tháng các nhà phát hành game Việt Nam còn phải chia sẻ doanh thu để trả cho nhà sản xuất nước ngoài.

Ông Dương Thế Lương, Giám đốc VTC Intecom cho biết: “Trong kết cấu của dịch vụ, nhà sản xuất thu tiền bản quyền, thứ hai là họ thu khoảng 20% - 30% doanh thu nhận được hàng tháng”.

Không muốn chia sẻ % doanh thu khá lớn này cho nước ngoài, Việt Nam đã có một số đơn vị dũng cảm tự bỏ tiền ra để sản xuất game thuần Việt. Game 7554 được Emobi Game studio lấy bối cảnh lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ trong thể loại game bắn súng, tái hiện lại những trận chiến ngoan cường của quân và dân Việt Nam với những khí tài thô sơ đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7/5/1954. Đầu tư 800.000 USD, tương đương hơn 15 tỷ đồng, trong 3 năm sản xuất. Nhưng những gì mà nhóm phát triển game này thu lại chỉ là kinh nghiệm.

Ông Nguyễn Tuấn Huy, Giám đốc Emobi Games Studio nói: “Hiện chúng tôi đang phải tồn tại bằng những dự án ngắn hạn như phát triển game mobile, gia công game cho các hãng game nước ngoài để tồn tại qua giai đoạn khó khăn, khi nào tích lũy đủ, tôi sẽ tiếp tục với những dự án game thuần Việt”.

Nhìn vào con số 5000 tỷ doanh thu trực tiếp và khoảng 20.000 tỷ doanh thu gián tiếp từ ngành game Việt Nam, không ai có thể phủ nhận khả năng đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên làm sao khai thác được thị trường tiềm năng này, quản lý hiệu quả và thúc đẩy ngành công nghiệp trò chơi như thế nào để đem lại lợi ích cho Việt Nam vẫn là một bài toán chưa có lời giải.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước