Không giống như máy bay tự lái và các chương trình lái máy bay tự động được lập trình cho một máy bay cụ thể, thiết kế hình dáng con người của robot Pibot sẽ cho phép nó lái được bất kỳ loại máy bay nào mà không cần phải lập trình lại. Mục đích của dự án này là có thể thay thế con người lái máy bay hoặc trực thăng để thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm như cứu người trong các thảm họa thiên tai.
Theo người đứng đầu nhóm nghiên cứu Shim Hyung-Chul, robot Pibot ngoài khả năng tự lái máy bay theo chương trình đã được lập trình sẵn mà còn có khả năng tự học để có thể thích ứng với nhiều loại máy bay khác nhau.
Giáo sư Shim Hyun-Chul, Trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: "Rất nhiều máy bay không người lái hiện đã được phát triển, tuy nhiên, Pibot là robot đầu tiên trên thế giới ngay lập tức có thể tự động cập nhật cách lái bất kỳ loại máy bay nào".
Ý tưởng thiết kế robot Pibot đến với ông Shim sau những hậu quả của sóng thần tại Nhật Bản năm 2011.
Giáo sư Shim Hyun-Chul nói:"Khi nhà máy hạt nhân Fukushima của Nhật Bản bị hư hỏng do trận động đất năm 2011, đã có nhiều trực thăng cố gắng dập tắt các đám cháy nhưng không thể tiến gần đến hiện trường do lo ngại bức xạ hạt nhân".
Pibot sử dụng các máy tính thời gian thực để điều chỉnh máy bay trong quá trình cất cánh và hạ cánh. Trong các thử nghiệm mô phỏng quá trình bay, Pibot có khả năng thực hiện các thao tác chính xác hơn một người phi công thực thụ. Đặc biệt, Pibot có thể đưa ra các quyết định dễ dàng hơn con người do được lập trình để tính toán cẩn thận thay vì có thể bị mắc sai lầm như con người.
Cho đến nay, Pibot đã hoàn thành một chương trình thử nghiệm các chuyến bay mô phỏng một cách khắt khe. Các nhà nghiên cứu có kế hoạch kiểm tra kỹ năng bay của Pibot trong một chiếc máy bay thật sự trong tương lai gần.