Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam 2021 khai mạc ngày 2/11

P.V-Thứ hai, ngày 25/10/2021 16:54 GMT+7

VTV.vn - Chỉ còn hơn 1 tuần nữa, Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - ASOCIO 2021 sẽ chính thức khai mạc.

Sự kiện do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) phối hợp với tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - Châu Đại Dương (ASOCIO) đồng tổ chức, diễn ra trong 5 ngày từ 2 - 6/11/2021. Hội nghị được tổ chức 100% trực tuyến và sẽ có các điểm cầu riêng tại các tỉnh, thành phố và các quốc gia khu vực quốc tế.

Với chủ đề về thành phố thông minh trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam quốc tế, Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - ASOCIO đặc biệt nhấn mạnh vào các xu hướng công nghệ hiện đại được ứng dụng trong lĩnh vực thành phố thông minh hiện nay, với 5 phiên chuyên đề trong vòng 5 ngày.

Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam 2021 khai mạc ngày 2/11 - Ảnh 1.

Với tổng cộng 14 phiên hội thảo, hội nghị sẽ chia sẻ thông tin, kinh nghiệm cũng như thảo luận, hội nghị hướng tới mục tiêu lan tỏa sức mạnh công nghệ trong việc phát triển thành phố thông minh, giúp nâng tầm chất lượng cuộc sống của người dân trong các khu đô thị, thành phố thông minh.

Bên cạnh các hội thảo, chương trình còn có các gian hàng triển lãm trực tuyến dành cho các giải pháp, nền tảng, dịch vụ cho chính phủ số, bất động sản thông minh, khu công nghiệp thông minh, nhà máy thông minh, thành phố thông minh, kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế với các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp, tổ chức ứng dụng CNTT.

Theo báo cáo của Mordor Intelligence, tổng giá trị của thị trường thành phố thông minh trên toàn cầu đạt xấp xỉ 739,78 tỷ USD trong năm 2020 và dự kiến chạm mốc 2036,10 tỷ USD vào cuối năm 2026, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) được dự kiến đạt mức trung bình 18,22%. Thị trường Bắc Mĩ đang là nơi phát triển mạnh mẽ nhất, chiếm tỷ trọng 30%, theo sau là khu vực châu Á - Thái Bình Dương với sự trỗi dậy của các nền kinh tế đang phát triển nhanh như Trung Quốc, Ấn Độ với mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng số.

Tại Việt Nam, thành phố thông minh giúp tối ưu hóa nguồn lực, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh, tiện ích cho người dân và phát triển kinh tế, xã hội cũng là mục tiêu của Chính phủ, chính quyền các cấp. Từ tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 950). Hiện cả nước đang có gần 40 địa phương bắt tay vào xây dựng và phê duyệt các đề án, định hướng phát triển đô thị thông minh, trong đó có những cái tên nổi bật như thành phố Đà Nẵng với chương trình Kiến trúc tổng thể với 16 lĩnh vực chuyên ngành với 6 trụ cột được ban hành năm 2018; thành phố Bình Dương với thành tích hai năm liên tiếp được bình chọn trong danh sách địa phương có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới của Diễn đàn Cộng đồng Thông minh Thế giới (ICF), hay Thừa Thiên - Huế là một trong những tỉnh đi đầu trong lộ trình hướng đến phát triển dịch vụ đô thị thông minh gắn với chính quyền điện tử.

Việt Nam mang trong mình nhiều cơ hội để phát triển thành phố thông minh nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, hạ tầng giao thông và đô thị của Việt Nam trong khoảng 20 năm gần đây đã được đầu tư khá nhiều nhưng so với các nước trong khu vực vẫn chưa xứng tầm quy mô, vẫn cần thêm nhiều sự đầu tư về mặt tài chính, công nghệ, năng lực từ các bộ ban ngành. Bên cạnh đó, việc học hỏi áp dụng các công nghệ trụ cột mới như Trí tuệ nhân tạo (Al), Internet vạn vật (IoT), Xử lý dữ liệu lớn (Big Data), Công nghệ mạng 5G… cũng cần được đẩy mạnh, nhưng với nền kinh tế đang phát triển và cơ cấu dân số trẻ và lực lượng kỹ sư công nghệ tài năng,

Đại dịch COVID-19 kéo dài trong hai năm gần đây đã gây khó khăn và ảnh hưởng nặng nề đến toàn ngành kinh tế Việt Nam nhưng cũng là động lực để các doanh nghiệp phát huy năng lực, xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp. Đặc biệt là cơ hội để chính quyền các tỉnh, thành phố nhìn nhận lại các vấn đề, đưa ra các bài toán, đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến và khoa học đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực đô thị thông minh để có thể vượt qua khó khăn do đại dịch gây ra, phục hồi và phát triển. Đại dịch cũng là dịp để nhìn nhận các hướng đi và phát triển đô thị trong tương lai cũng như khẳng định giải pháp thành phố thông minh là một lựa chọn phù hợp để kinh tế Việt Nam phát triển thịnh vượng, phồn mạnh.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước