Chú robot Kaspar có vóc dáng tương đương một đứa trẻ, có thể chớp mắt, có thể nói và giao tiếp như một người bạn. Với những đặc điểm này, Kaspar được các em nhỏ mắc chứng tự kỷ cảm thấy khá gần gũi và yêu thích.
Bà Kestin Dautenhahn, Giáo sư chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo, Đại học Hertfordshire, Anh, nói: "Một số người hỏi tôi, tại sao không thiết kế Kaspar có khuôn mặt dễ thương hơn như một nhân vật hoạt hình chẳng hạn. Tôi đáp, cái chúng tôi cần là 1 robot có khuôn mặt giống con ngườ, với các đặc tính linh hoạt, để giúp trẻ tự kỷ dễ dàng làm quen".
Ngoài những hành động thông thường như nói, chải tóc, hát với trẻ, Kaspar còn được lập trình những phản ứng đặc biệt, để giúp trẻ tự kỷ học các kỹ năng xã hội một cách tự nhiên, không gò bó. Ví dụ như nếu trẻ véo mũi Kaspar, chú sẽ đáp. "Ối, cậu làm đau tớ" và giơ tay lên che mặt, tỏ vẻ buồn bã. Còn nếu trẻ cù vào chân Kaspar, phản ứng lại khá vui vẻ.
Bà Alice Lynch, nhà nghiên cứu, Đại học Hertfordshire, Anh, cho biết: "Chúng tôi từng cố gắng dạy một bé trai mắc chứng tự kỷ cách ăn cùng bạn bè nhưng cháu quá lo lắng nên không thích nghi được. Chúng tôi cho cháu làm quen với Kaspar thì mọi việc khả quan hơn. Cháu rất thích cho Kaspar ăn, dần dần đã có thể ngồi cùng bàn ăn cùng các bạn".
Được đưa vào thử nghiệm từ cuối năm ngoái, Kaspar đã cho thấy nhiều kết quả tích cực. Mục tiêu của các nhà khoa học Anh là có thể đưa thêm nhiều robot như Kaspar vào các bệnh viện, trường học để giúp trẻ mắc hội chứng tự kỷ tương tác tốt hơn với xã hội.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!