Mới đây nhất, nhà khoa học tiên phong nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo Geoffrey Hinton đã đưa ra cảnh báo rằng, AI có thể gây ra mối đe dọa khẩn cấp hơn cả biến đổi khí hậu.
Ông Hinton lo ngại về mối đe dọa từ AI, nếu các loại máy móc được trang bị công nghệ thông minh hơn cả con người và kiểm soát thế giới.
Nhà khoa học tiên phong nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo Geoffrey Hinton cảnh báo về mối đe dọa của AI (Ảnh: Reuters)
Meta, công ty chủ quản của mạng xã hội Facebook, cảnh báo về việc các tin tặc lợi dụng "cơn sốt" ứng dụng trí tuệ nhân tạo như ChatGPT để lừa người dùng tải về mã độc, tấn công các thiết bị.
Một kết quả nghiên cứu từ ngân hàng TSB của Anh cho thấy, số vụ lừa đảo trên các nền tảng của Meta chiếm tới 80% tổng số vụ lừa đảo theo hình thức mạo danh, mua hàng và đầu tư mà ngân hàng này thống kê.
Mỹ thận trọng với trí tuệ nhân tạo
Ngay từ khi trí tuệ nhân tạo ra đời vào những năm 1980, những người phát minh ra nó đã nhận thấy khả năng phát triển vượt tầm kiểm soát của công nghệ này. Vì thế, họ đã lập nhóm nghiên cứu về biện pháp kiểm soát. Và nay, khi các ứng dụng trí tuệ nhân tạo được ồ ạt tung ra, tạo thành cuộc đua giữa các gã khổng lồ công nghệ, người ta mới thấy rõ mức độ thông minh đi kèm với nguy cơ tiềm ẩn trong đời sống thực.
Nước Mỹ cũng thận trọng hơn trong nghiên cứu công nghệ trí tuệ nhân tạo. Có một điểm chung thống nhất giữa những nhà phát triển AI hàng đầu của Mỹ đó là cần thiết phải phát triển công nghệ này một cách có trách nhiệm và an toàn. Điều này không đồng nghĩa với việc tạm ngưng tiến trình nghiên cứu và phát triển AI mà là sẽ được triển khai thận trọng hơn, được đánh giá, sàng lọc và thử nghiệm kỹ càng hơn trước khi đưa vào cuộc sống. Chính phủ Mỹ đã công bố khoản đầu tư 140 triệu USD để thành lập 7 viện nghiên cứu mới về AI mà theo tôi một phần trong đó là để thực hiện mục tiêu này.
Tại cuộc họp với lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu về trí tuệ nhân tạo vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu các doanh nghiệp này phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn các sản phẩm AI của mình trước khi đưa ra, đồng thời phải minh bạch trước các nhà hoạch định chính sách về hệ thống AI của họ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: Reuters)
Cũng trong cuộc họp này, Phó Tổng thống Mỹ, bà Kamala Harris, cũng nhấn mạnh, lãnh đạo các doanh nghiệp AI phải chịu trách nhiệm pháp lý về sự an toàn của các sản phẩm AI của mình và chính quyền Mỹ sẽ thúc đẩy các quy định pháp luật mới về trí tuệ nhân tạo.
Năm ngoái, chính quyền Mỹ đã đưa ra dự thảo luật về quyền AI và sắp tới Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng sẽ ban hành hướng dẫn về cách các cơ quan Liên bang sử dụng các công cụ AI.
Điều này phần nào cho thấy mức độ quan tâm của Chính phủ Mỹ đối với việc xây dựng hành lang pháp lý và các chuẩn mực đạo đức trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, góp phần định hình sự phát triển của công nghệ này trong tương lai.
Kiểm soát mặt trái của ChatGPT
Mặc dù các nhà khoa học đã nghiên cứu công nghệ trí tuệ nhân tạo từ lâu nhưng phải đến đầu năm 2023, công chúng mới thực sự quan tâm đến công nghệ này. Đó chính là lúc ra đời mô hình Chat GPT do công ty Open AI phát triển.
Khả năng trả lời tự động của Chat GPT được đánh giá là vượt trội và mang đến các kết quả thú vị. Nhưng các chuyên gia công nghệ trên thế giới cũng như ở Việt Nam cũng cảnh báo về những mặt trái liên quan đến mô hình này, cần có sớm có giải pháp kiểm soát hiệu quả.
Các chuyên gia cảnh báo về những mặt trái liên quan tới ChatGPT (Ảnh: Reuters)
Từ 4 tháng nay, Chat GPT đã trở thành một trong những công cụ quen thuộc với các sinh viên này trong quá trình học tập. Do được tạo nên dựa trên việc kết hợp giải thuật tạo sinh với mô hình ngôn ngữ lớn nên mô hình này hữu dụng với những câu hỏi có tính chất thu thập, tổng hợp dữ liệu, thậm chí có thể giải toán, sửa code.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, với những câu hỏi cần sự suy luận hoặc phải phân tích nhưng không có dữ liệu đầy đủ, Chat GPT có thể cung cấp cho người dùng đáp án sai.
Đáng quan tâm hơn cả là hiện nay, nhiều người sử dụng Chat GPT để làm nghiên cứu, viết luận, viết đồ án tốt nghiệp… Điều này đặt ra thách thức lớn về việc đảm bảo tính trung thực, minh bạch, sự liêm chính trong nghiên cứu khoa học khi nguồn dữ liệu không thể truy vấn, kiểm chứng nguồn gốc và được biên tập với văn phong riêng, nên các phần mềm chống đạo văn rất khó phát hiện.
Không thể phủ nhận những tác dụng tích cực của Chat GPT nhưng những mặt trái của mô hình này cũng là vấn đề được giới công nghệ cảnh báo. Chính vì vậy, cần sớm bổ sung khung pháp lý và các quy định về đạo đức, liêm chính khoa học liên quan đến việc sử dụng mô hình này để đảm bảo người dùng khai thác chúng một cách hiệu quả, khoa học và chuẩn mực.
Ý kiến về kiểm soát trí tuệ nhân tạo
Trong thời đại ngày nay, con người luôn đứng giữa một bên là tham vọng không ngừng về những bước tiến hóa nhảy vọt về khoa học công nghệ, đặc biệt là AI và một bên là nỗi lo sợ công nghệ sẽ chiếm dụng cuộc sống, làm chủ con người.
Chúng ta không cực đoan khi cho rằng trí tuệ nhân tạo chỉ toàn tác động tiêu cực. Việc nghiên cứu, phát triển AI với các mục đích tích cực, phục vụ cộng đồng, khiến cuộc sống trở nên thuận tiện, khoa học và hiệu quả hơn rất đáng cổ vũ. Nhưng quá trình nghiên cứu đó cần được tiến hành trên cơ sở thận trọng và đúng pháp luật. Mọi thử nghiệm đều cần được giám sát một cách chặt chẽ và khách quan.
Ý kiến về kiểm soát trí tuệ nhân tạo
Anh Trần Hữu Nhân - Chuyên gia về Dữ liệu và học máy - cho rằng: "AI nói chung không phải là cái xấu, nếu như chúng ta biết cách sử dụng vào cung cấp đủ lượng thông tin để nó hỗ trợ mình trong việc đưa ra quyết định. Còn xấu là khi chúng ta không có ý thức, chúng ta chia sẻ nhiều thông tin không đúng".
GS. Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Công ty Trí tuệ nhân tạo Torus AI, Pháp - cho biết: "AI cũng là công cụ thôi. Cứ là công cụ thì sẽ làm cho con người được giải phóng khỏi những việc mà con người làm vất vả, mệt nhọc. Khi đấy thì mình có thời gian, mình có thể làm những việc khác, mình tập trung vào chính bản thân mình để tạo ra những việc sáng tạo, tạo ra những giá trị khác".
TS. Đặng Minh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC - cho rằng: "Đối với những cái mới, cần nghiên cứu mặt tích cực và tiêu cực. Đây là vấn đề của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực liên quan, cần nghiên cứu để tìm ra cơ chế quản lý kiểm soát để phát huy mặt tích cực, giảm sự tiêu cực".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!