Make in Vietnam: Sẽ không ai bị bỏ lại!

Quốc Lê - Khánh Linh-Thứ tư, ngày 19/08/2020 19:23 GMT+7

VTV.vn - Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam có 5 hạng mục, hướng tới việc đưa ra sáng kiến, ý tưởng theo định hướng biến Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ.

"Make in Vietnam" vốn là một chiến lược được công bố lần đầu tiên tại Diễn đàn Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức ngày 9/5/2019.

"Make in Vietnam" là những sản phẩm sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, giải quyết bài toán Việt Nam. Với mục tiêu thúc đẩy, phát triển trí tuệ công nghệ Việt Nam với sự chung tay của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam năm 2020 hướng tới việc đưa ra các sáng kiến, ý tưởng theo định hướng đưa Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ.

Từ những năm 90, khi công nghệ thông tin và Internet bắt đầu được phổ biến ở Việt Nam, đã có những giải pháp công nghệ được phát triển bởi người Việt và dành cho người Việt.

Chia sẻ tại sự kiện công bố giải thưởng Make in Vietnam, ông Mai Liêm Trực - nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông khẳng đinh: "Phát triển các công nghệ số mục đích chính là để phục vụ con người vì vậy chúng ta phải làm sao để không một đối tượng nào bị bỏ lại, khoảng cách thành thị - nông thôn, người giàu - người nghèo sẽ dần được thu hẹp".

Make in Vietnam: Sẽ không ai bị bỏ lại! - Ảnh 1.

TS Mai Liêm Trực - nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông - Chủ tịch Hội đồng giám khảo

Xử lý ngôn ngữ tiếng Việt: Chìa khóa để người Việt bước vào thế giới số

Ngôn ngữ Việt - là một ngôn ngữ riêng chủ yếu phục vụ giao tiếp cuộc sống của người Việt. Để Việt Nam có thể đi ra toàn cầu, có thể ứng dụng các công nghệ mới nhất thì xử lý, phát triển tiếng Việt trên nền tảng số là một đòi hơi bức thiết hơn bao giờ hết. Từ hơn 20 năm trước, Unikey đã ra đời để rồi sau đó trở thành cây cầu kết nối hàng triệu người Việt Nam với các thiết bị công nghệ mới. Tác giả của Unikey cũng đã công bố mã nguồn mở cho nhiều tập đoàn danh tiếng thế giới sử dụng miễn phí với hy vọng mọi người dân Việt Nam đều có thể mở toang cánh cổng tri thức số của mình.

"Nếu không có sự ủng hộ của người dùng, Unikey sẽ không thể phổ biến và phát huy hiệu quả được như bây giờ" - ông Phạm Kim Long, tác giả Unikey chia sẻ.

Make in Vietnam: Sẽ không ai bị bỏ lại! - Ảnh 2.

Tác giả Unikey Phạm Kim Long.

Nhờ các giải pháp xử lý ngôn ngữ tiếng Việt ngày càng hoàn thiện mà ngày nay các trợ lý thông minh, các cổng giao tiếp smarthome, smart city đang giúp những người dân bình thường nhất cũng có thể được sử dụng những tiện ích hàng đầu. Đó là trí tuệ, chất xám của người Việt Nam mà cũng chỉ người Việt Nam có đủ khát khao, đủ đam mê để khám phá và hoàn thiện nó vì chính tương lai của dân tộc mình.

Sản phẩm Việt giải quyết những bài toán toàn cầu

Những người Việt không chỉ dừng lại ở bài toán của chính mình, những bài toán lớn của nhân loại cũng được chúng ta tìm lời giải. Có những nền tảng của người Việt, do người Việt sáng tạo ra những đến nay có hàng triệu khách hàng quốc tế tin tưởng. Cách đây vài năm, có ai dám nghĩ, Monkey Junior - một ứng dụng dạy ngôn ngữ từ Anh, Pháp, Tây Ban Nha của một nhà sáng lập đến từ Hà Tĩnh lại có thể đang mang về dòng ngoại tệ từ gần 3 triệu người dùng bên ngoài biên giới. Và cũng tại thời điểm đó, ai dám mơ điện thoại Việt Nam có thể xuất khẩu, có thể tiên phong trong thiết bị 5G? Nhưng đó là những sự thật đang hiện diện ngay trước mắt mỗi chúng ta, đang thay đổi cuộc sống từng ngày, từng giờ.

"Hiện tại, đang là thời điểm vàng để cho các doanh nghiệp nhỏ, các Quốc gia đi sau có cơ hội vượt lên. Bởi vì, trong khó khăn của nền kinh tế toàn cầu hiện tại càng những doanh nghiệp lớn, những nền kinh tế lớn sẽ gặp những vấn đề, những khó khăn lớn hơn" - ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Nexttech.

Make in Vietnam: Sẽ không ai bị bỏ lại! - Ảnh 3.

Chủ tịch Nexttech Nguyễn Hòa Bình

Dịch COVID-19 đã và đang tạo ra những khủng hoảng chưa từng có cho kinh tế toàn cầu nhưng cùng với đó cũng chính là cơ hội cho các quốc gia đi sau. 6 tháng qua đã phần nào cho chúng ta thấy chìa khóa để vươn lên, để tranh thủ cơ hội này không còn con đường nào khác là chuyển đổi số. Doanh nghiệp Việt Nam, nền tảng Việt Nam hoàn toàn hội đủ điều kiện để chuyển mình.

Đưa Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ

Phát biểu tại sự kiện phát động Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam năm 2020, Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Nếu không Make in Vietnam thì nước ta khó có thể trở thành nước phát triển, chúng ta cũng không thể đi ra nước ngoài được, không thể đóng góp lớn cho sự phát triển của nước nhà. Cái thuận lợi của Make in Vietnam là chúng ta đã có đủ thời gian làm gia công cho nước ngoài, thậm chí có cả những công ty đã thiết kế thuê module, họ thiết kế thuê cả sản phẩm trọn vẹn".

Make in Vietnam: Sẽ không ai bị bỏ lại! - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, những vấn đề của Make in Vietnam do Chính phủ, doanh nghiệp hoặc xã hội đặt ra cần phải được giải quyết. Ông khẳng định: "Việc đưa vấn đề của mình, bài toán của mình ra khỏi nhà của mình chính là các tốt nhất để thúc đẩy Make in Vietnam. Nếu chúng ta không cạnh tranh được với nước ngoài thì sẽ mãi mãi không phát triển được".

Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make In Vietnam sẽ tìm, đánh giá và tôn vinh các sản phẩm Make in Vietnam xuất sắc, giải quyết hiệu quả bài toán Việt Nam, thúc đẩy nền kinh tế số, từ đó, xây dựng nên mạng lưới các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có giá trị cốt lõi, có sản phẩm tinh hoa và có đội ngũ kỹ sư giàu năng lực.

Phát triển doanh nghiệp công nghệ số sẽ giúp đất nước thay đổi thứ hạng về công nghệ, phát triển sản phẩm Make in Vietnam sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam tăng tính cạnh tranh, gia tăng nội lực của nền kinh tế quốc gia. Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam sẽ là công cụ quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Tìm hiểu tại website: www.makeinvietnam.mic.gov.vn

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước