Kết nối gần hơn hay gia tăng khoảng cách?
Thời công nghệ, mọi cảm xúc như hỷ, nộ, ái, ố, sung sướng, hạnh phúc hay khổ đau... thay vì thể hiện qua lời nói, người ta có thể bộc lộ bằng những biểu tượng, chỉ cần qua 1 chiếc điện thoại thông minh. Giao tiếp trên không gian số như một hiện tượng xã hội tất yếu của thời đại công nghệ 4.0 với sự tiện lợi, xóa nhòa mọi khoảng cách.
Nhưng nhiều câu hỏi đặt ra xoay quanh câu chuyện giao tiếp trên không gian số như người ta sẽ xa hay gần nhau hơn, sẽ sống thật với mình hơn hay ảo hơn, sẽ kết nối hay quan hệ lỏng lẻo?
Theo nghiên cứu mới công bố của Q&Me về xu hướng ứng dụng điện thoại tại Việt Nam, người Việt trung bình dành 5 giờ một ngày cho điện thoại thông minh. Trong đó, có khoảng 30% người dùng dành hơn 7 giờ mỗi ngày, chủ yếu sử dụng Facebook, YouTube, Messenger và Zalo.
Facebook là một trong những mạng xã hội được sử dụng phổ biến nhất hiện nay
Vợ chồng anh Hoàn, chị Thương là ví dụ điển hình cho việc giao tiếp trực tuyến gần như cả ngày. Cùng làm một công ty, ngồi cùng văn phòng nhưng do đặc thù công việc, sự kết nối với các mối quan hệ khiến anh chị tương tác với nhau chủ yếu trong các nhóm trò chuyện chung.
"Gia đình có nhiều người ở xa nên chủ yếu kết nối qua mạng. Công việc thì các đối tác nước ngoài hoặc ở các tỉnh, cũng chủ yếu trao đổi trực tuyến và thấy rất hiệu quả" - chị Thương chia sẻ.
Sức mạnh "thật" của thế giới ảo
Một hiện tượng rất đáng chú ý mới xuất hiện từ cuối năm 2020 trở lại đây, đó là sự xuất hiện ngày càng nhiều các nhóm anti fan - các nhóm tẩy chay người nổi tiếng trên mạng xã hội.
Văn hóa tẩy chay vốn xuất hiện từ lâu song trong vài tháng qua là đỉnh điểm khi các group anti mọc lên "như nấm sau mưa". Từ sao hạng A đến các ca sĩ, diễn viên mới nổi đều có thể trở thành đối tượng của các nhóm tẩy chay. Ít thì vài nghìn thành viên, nhiều thì lên tới hàng trăm nghìn thành viên.
Bị cho là thường xuyên rao giảng đạo lý trong các gameshow truyền hình, một cô hoa hậu trở thành đối tượng tẩy chay của nhóm antifan lên tới hơn 100 nghìn thành viên chỉ trong một thời gian ngắn. Cuộc đôi co giữa cô và nhóm này kéo dài hàng tuần, trở thành một cuộc chiến căng thẳng trên mạng xã hội. Cuối cùng, cô phải viết một bức thư xin lỗi khán giả để khép lại vụ việc, đồng thời chủ động rút khỏi một số sự kiện giải trí. Đây là vụ việc điển hình cho thấy tại Việt Nam, sức mạnh tẩy chay của cộng đồng mạng không kém gì các nền giải trí lớn trên thế giới.
Năm 2018, một nam ca sĩ nổi tiếng phải rút khỏi ngành giải trí sau bê bối quấy rối một vũ công. Một nghệ sĩ hài vì quấy rối tình dục trẻ em cũng không thể trở lại hoạt động nghệ thuật trước sự lên án của dư luận. Nhưng chưa bao giờ, sức mạnh tẩy chay được nhân lên như thời điểm này nhờ mạng xã hội. Từ cuối năm 2020 đến đầu năm nay, hàng chục nhóm antifan liên tục xuất hiện.
Theo khảo sát tại 25 quốc gia của Microsoft, năm 2020, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng.
Lan tỏa những thông điệp, hành động đẹp trên mạng xã hội
Mạng xã hội đã trở nên quen thuộc, một kênh giao tiếp thường xuyên của nhiều người. Giao tiếp trực tuyến hay trực tiếp, dù sử dụng hình thức nào, không ai muốn đánh mất sự chân thật của cảm xúc, thể hiện quan điểm bản thân, cho đi, đồng cảm và thấu hiểu nhau hơn. Nhiều người đã tận dụng lợi ích các kênh mạng xã hội để lan tỏa những thông điệp, hành động đẹp, để thấy cuộc sống tươi đẹp, ý nghĩa và để giữ lại những điều đáng quý.
Người nổi tiếng lan tỏa thông điệp trong bối cảnh dịch bệnh
Gieo vần trong những chia sẻ của mình, đó là cách ông Kỳ thể hiện quan điểm trước mỗi sự kiện xã hội. Hay chỉ đơn giản là chia sẻ một cuốn sách hay, một kỷ niệm đẹp, chia sẻ một lối sống của người trung niên dành cho bạn bè, con cháu. Viết thường xuyên, cập nhật, cảm xúc theo từng câu chữ cũng là cách để ông thấy mình năng động, trẻ trung hơn, sau khi nghỉ hưu.
Mạng xã hội mang đến diễn đàn mở. Trong bối cảnh dịch bệnh, nhóm kinh doanh trên nền tảng số tăng hàng nghìn thành viên, sẻ chia cách thức họ vượt qua khủng hoảng, bằng kiến thức và sự đồng cảm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!