Một năm nhiều dấu ấn của ngành Thông tin và Truyền thông

Phi Long-Chủ nhật, ngày 29/12/2024 20:13 GMT+7

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cùng các đại biểu đến thăm không gian triển lãm bên lề Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ Thông tin và Truyền thông

VTV.vn - Sáng 29/12, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Thông tin và Truyền thông tại trụ sở Bộ.

Tham dự Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ Thông tin và Truyền thông có Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, các Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo một số Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, lãnh đạo chủ chốt của các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ, lãnh đạo các Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố...

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, chặng đường 5 năm từ khi Chính phủ ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia năm 2020 đã giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng chuyển đổi số nhanh nhất thế giới, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế số, chính phủ số và thương mại điện tử.

Một năm nhiều dấu ấn của ngành Thông tin và Truyền thông - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Thông tin và Truyền thông

Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng này, Việt Nam đặt ra mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, với các chỉ số về hạ tầng số, công nghệ số, kinh tế số và Chính phủ điện tử đều nằm trong nhóm top 50 thế giới.

Theo báo cáo về các kết quả nổi bật của Bộ Thông tin và Truyền thông trong năm 2024, năm vừa qua, doanh thu toàn ngành Thông tin và Truyền thông ước đạt 4.243.984 tỷ đồng, tăng 13,2% so với năm 2023. Nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 109.478 tỷ đồng, tăng 15,1% so với năm 2023. Đóng góp vào GDP của ngảnh Thông tin và Truyền thông ước đạt 989.016 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2023.

Về lĩnh vực bưu chính, doanh thu ước đạt 71.140 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 110,8% kế hoạch năm 2024; nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 5.019 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 100% kế hoạch năm 2024.

Về lĩnh vực viễn thông, tổng doanh thu ước đạt 147.000 tỷ đồng, tăng 3,49% so với năm 2023. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 85%, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2023 (79%). Số thuê bao băng rộng di động đạt 94 thuê bao/100 dân, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023.

Về lĩnh vực chuyển đổi số quốc gia, điểm đánh giá mức độ chuyển đổi số (DTI) năm 2023 quốc gia là 0,7326 tăng trưởng 3% so với năm 2022 (0,7111), tăng 50,8% so với năm 2020 (0,4858). Tổng giao dịch thực hiện thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) ước tính đến hết tháng 12/2024 là 1,031 tỷ giao dịch (tăng 56% so với năm 2023).

Về lĩnh vực an toàn thông tin mạng, doanh thu ước đạt 7.179 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số tiền nộp ngân sách Nhà nước của doanh nghiệp hoạt động an toàn thông tin mạng ước đạt 794 tỷ đồng, tăng 156,8% so với năm 2023 (309 tỷ đồng). Trong năm qua, đã bảo vệ 1,3 triệu người dân, không truy cập vào các website lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Đã xử lý 8.558 website lừa đảo, vi phạm pháp luật.

Về lĩnh vực kinh tế số - xã hội số, tỷ trọng kinh tế số trong GDP (ước tính) 18,3%, tăng trưởng 20% so với năm 2023.

Về lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, doanh thu ước đạt 3.878.296 tỷ đồng (151,86 tỷ USD), tăng 11,2% so với năm 2023 (137 tỷ USD). Kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt 132,341 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2023. Tỷ lệ giá trị Việt Nam/doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT ước đạt 31,8%, tăng 3,1 điểm % so với năm 2023.

Về lĩnh vực báo chí, truyền thông, doanh thu của báo chí in, báo chí điện tử ước đạt 8.080 tỷ đồng, giảm khoảng 6,1% so với năm 2023, trong đó quảng cáo giảm 5,6%. Doanh thu lĩnh vực phát thanh, truyền hình đạt 12.524 tỷ đồng, tăng 1,7% so với năm 2023 (12.049 tỷ đồng). Doanh thu ngành game ước đạt khoảng 12.500 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2023 (12.552 tỷ đồng). Tỷ lệ tin xấu, độc, sai sự thật được phát hiện và xác minh trên mạng xã hội được ngăn chặn, xử lý nghiêm, kịp thời trong năm ước đạt khoảng 92,7%, tăng 0,4 điểm % so với cùng kỳ năm 2023.

Về lĩnh vực xuất bản, in và phát hành, doanh thu lĩnh vực xuất bản ước đạt 4.200 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 100% kế hoạch năm 2024. Doanh thu lĩnh vực in ước đạt 90.160 tỷ đồng, giảm 2% so với năm 2023 (92.000 tỷ đồng) và đạt 90,2% so với kế hoạch năm 2024. Doanh thu lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm ước đạt 4.800 tỷ đồng, tăng 2,78% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 96,57% so với kế hoạch năm 2024.

Việt Nam đã có những bước tiến lớn

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng điểm lại những thành tựu nổi bật trong các lĩnh vực: bưu chính, viễn thông, hạ tầng dữ liệu, an toàn thông tin mạng, công nghiệp công nghệ số, Chính phủ số, kinh tế số. Theo đó, Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong cải thiện thứ hạng quốc tế.

Tháng 11/2024, Liên minh Bưu chính thế giới UPU đã công bố chỉ số tích hợp phát triển bưu chính của Việt Nam, theo đó, bưu chính Việt Nam năm 2024 được tăng hạng từ nhóm 6 (năm 2023) lên nhóm 8.

Về viễn thông, Việt Nam đang xếp hạng thứ 72 nhưng tăng bậc khá nhanh. Cách đây 6 năm, năm 2018, Việt Nam xếp hạng 108. Trong 6 năm qua tăng 36 bậc, mỗi năm tăng trung bình 6 bậc. Với tốc độ tăng bậc này, đến năm 2030, viễn thông Việt Nam chắc chắn sẽ vào nhóm top 50 toàn cầu, nếu tích cực hơn nữa thì sẽ vào nhóm top 40.

Về hạ tầng dữ liệu, Việt Nam đã đạt 2MW/1 triệu dân, mặc dù chưa có đầu tư nước ngoài về trung tâm dữ liệu. Việt Nam đang là top 60 toàn cầu. Nếu thu hút được các Big Tech đầu tư vào trung tâm dữ liệu và các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào trung tâm dữ liệu thì năm 2030, Việt Nam có thể vào nhóm top 30 toàn cầu.

Về an toàn thông tin mạng, Việt Nam đang có thứ hạng cao. Tháng 9/2024, Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) cũng đã công bố Chỉ số an toàn thông tin mạng toàn cầu năm 2024 (GCI), theo đó, Việt Nam đã tăng 8 bậc kể từ báo cáo công bố năm 2021, vươn lên vị trí thứ 17/194 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, đứng thứ 4 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thứ 3 trong số các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về lĩnh vực an ninh mạng. Việt Nam đạt điểm gần như tuyệt đối cho 5 tiêu chí đánh giá của GCI và được xếp hạng quốc gia bậc 1 "kiểu mẫu" (bậc cao nhất trong 5 bậc), là nhóm các quốc gia "làm gương", đồng thời nằm trong top 3 nhóm các quốc gia dẫn đầu thế giới.

Một năm nhiều dấu ấn của ngành Thông tin và Truyền thông - Ảnh 2.

Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ Thông tin và Truyền thông

Về công nghiệp công nghệ số, hiện nay, Việt Nam đang có thứ hạng cao ở 5 mặt hàng công nghiệp công nghệ số: đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại thông minh; đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính; đứng thứ 8 thế giới về thiết bị, linh kiện điện tử; đứng thứ 7 thế giới về gia công phần mềm. Xét về tổng thể, ngành công nghiệp công nghệ số, xét cả khía cạnh tỷ lệ giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu, thì Việt Nam đã vào top 20. Chúng ta sẽ tiếp tục duy trì thứ hạng cao, phấn đấu vào nhóm top 15 toàn cầu và tăng tỷ trọng giá trị Việt Nam đang là 32% lên 50% vào năm 2030.

Về kinh tế số, Việt Nam đang xếp thứ 41 về tỷ trọng kinh tế số/GDP nhưng cũng tăng thứ hạng khá nhanh. Năm 2024, tỷ trọng kinh tế số của Việt Nam đã gần 19%, năm 2025 sẽ đạt và vượt mục tiêu 20%. Chúng ta đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 30 - 35% GDP vào năm 2030, khi đó, Việt Nam sẽ lọt vào nhóm top 30 toàn cầu.

Theo Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử năm 2024 (EGDI) của Liên hợp quốc, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 71 trong tổng số 193 quốc gia, tăng 15 bậc so với năm 2022. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm EGDI ở mức rất cao và có vị trí xếp hạng cao nhất kể từ khi bắt đầu tham gia đánh giá EGDI của Liên hợp quốc năm 2003. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 5/11 nước về Chính phủ điện tử, tăng 1 bậc so với năm 2022.

Về các mục tiêu phát triển trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Việt Nam cần so sánh mình với các nước khác, các nước láng giềng và các nước phát triển để thay đổi thứ hạng quốc gia. Việt Nam không còn là một quốc gia nhỏ mà phải vươn lên sánh vai với các cường quốc. Chúng ta đã hội tụ đủ ba điều kiện để vươn mình đứng dậy, để đất nước tăng trưởng hai con số. Đó là chúng ta đã có thu nhập đầu người đạt mức trung bình, có cơ hội lớn từ cách mạng công nghiệp 4.0, có khát vọng Việt Nam hùng cường.

"Ngành Thông tin và Truyền thông là hạ tầng số, là công nghệ số, là công nghiệp số, là dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia thì phải nhận sứ mệnh xây dựng các nền tảng cho đất nước phát triển. Việt Nam muốn bay lên thì phải có đôi cánh, một bên là công nghệ, một bên là sức mạnh tinh thần do báo chí, truyền thông và xuất bản khơi dậy" - người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông khẳng định.

Vẫn còn nhiều thách thức mà ngành Thông tin và Truyền thông phải đối mặt

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đánh giá cao những thành tựu to lớn mà ngành Thông tin và Truyền thông đã đạt được trong năm qua.

Một năm nhiều dấu ấn của ngành Thông tin và Truyền thông - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, những số liệu ấn tượng được trình bày tại hội nghị là minh chứng sinh động về sự phát triển của ngành Thông tin và Truyền thông, về sự nỗ lực của toàn ngành dưới sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật của Bộ Thông tin và Truyền thông với việc trình Chính phủ 4 Nghị quyết, 6 Nghị định, 8 Quyết định và ban hành 27 Thông tư, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho ngành Thông tin và Truyền thông phát triển.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số thách thức, khó khăn mà ngành Thông tin và Truyền thông phải đối mặt.

Trước tốc độ thay đổi nhanh chóng của công nghệ, hệ thống pháp luật cần được hoàn thiện nhanh hơn, đặc biệt là các cơ chế, chính sách nhằm phát huy nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế. Phó Thủ tướng đặt câu hỏi về việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu của các lĩnh vực công nghệ hiện đại như chip lượng tử, máy tính lượng tử và trí tuệ nhân tạo. Phó Thủ tướng chỉ đạo, Bộ Thông tin và Truyền thông phải là tổng tham mưu trưởng cho Chính phủ trong lĩnh vực này.

Về báo chí, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc lưu ý, cần quản lý chặt chẽ để đảm bảo báo chí là báo chí cách mạng, cần ngăn chặn thông tin xấu độc trên các nền tảng số, nền tảng xuyên biên giới.

Hướng tới công cuộc đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, Phó Thủ tướng cho rằng, ngành Thông tin và Truyền thông cần đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng số, ứng dụng AI, công nghiệp công nghệ số...

Một năm nhiều dấu ấn của ngành Thông tin và Truyền thông - Ảnh 4.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cùng các đại biểu đến thăm không gian triển lãm bên lề hội nghị

Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trách nhiệm Bộ Thông tin và Truyền thông là phải thực thi, tạo đột phá nguồn lực thúc đẩy kinh tế phát triển - Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Cũng theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, ngành Thông tin và Truyền thông cần đẩy mạnh công nghệ số để kinh tế số phát triển, đồng thời ngành cần tập trung đấu tranh với thông tin xấu, độc trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới...

Về việc hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông với Bộ Khoa học và Công nghệ theo Nghị quyết 18, Phó Thủ tướng nhận định, Bộ mới là Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông sẽ có sứ mệnh mới, có sức mạnh lớn hơn. Hai Bộ có điểm chung là công nghệ, sắp tới sẽ trở nên mạnh hơn, sâu hơn, thực hiện công tác quản lý hiệu quả hơn.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cam kết, các chỉ đạo, các nhiệm vụ Phó Thủ tướng giao sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông cụ thể hóa vào kế hoạch và chương trình hành động của năm 2025.

Ra mắt Mạng lưới truyền thông chính sách trên toàn quốc

Tại sự kiện, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức ra mắt Mạng lưới truyền thông chính sách trên toàn quốc, đặt dấu mốc quan trọng trong việc phủ rộng, lan tỏa triển khai công tác truyền thông chính sách trên cả nước.

Một năm nhiều dấu ấn của ngành Thông tin và Truyền thông - Ảnh 5.

Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức ra mắt Mạng lưới truyền thông chính sách trên toàn quốc

Ghi nhận những đóng góp của các đơn vị trong công tác truyền thông chính sách, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã trao tặng Bằng khen cho 22 đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác truyền thông chính sách.

Một năm nhiều dấu ấn của ngành Thông tin và Truyền thông - Ảnh 6.
Một năm nhiều dấu ấn của ngành Thông tin và Truyền thông - Ảnh 7.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã trao tặng Bằng khen cho 32 tập thể và 48 cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu đóng góp vào lộ trình dừng công nghệ 2G.

Bộ trưởng Bộ TT&TT: Hãy tin tưởng vào con người và công nghệ mới như AI Bộ trưởng Bộ TT&TT: Hãy tin tưởng vào con người và công nghệ mới như AI

VTV.vn - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ số, kinh tế số, đặc biệt là các chương trình AI.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước