Nhắc tới các loại hình giải trí của người Việt, người ta nghĩ ngay tới việc xem tivi tuy nhiên thực tế này đã và đang thay đổi chóng mặt do sự phổ biến mạnh mẽ của internet. Cuối 2018, Việt Nam có hơn 57 triệu người dùng internet chiếm tới 60% dân số và xếp thứ 16 thế giới về số người dùng, tập trung đông đảo nhất là thế hệ Gen Z (sinh ra trong thời gian từ 1996 – 2005) và Millenial (sinh ra trong thời gian từ 1980-1995). Trong đó, tỉ lệ sử dụng internet của Gen Z là 90% và Millenial là 78%. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết năm 2018, Việt Nam có tới 51 triệu thuê bao di động 3G/4G. Tỉ lệ người sở hữu smartphone tại các thành phố lớn là 72% trong khi đó máy tính (tính cả để bàn, xách tay) chỉ có 43%.
Người dùng Việt Nam hầu hết đều sử dụng một hay nhiều mạng xã hội trong đó đáng kể nhất là Facebook và Zalo. Với sự phổ biến này, mạng xã hội trở thành nguồn tin tức quan trọng.
Giải trí giờ đây không chỉ là xem tivi, giải trí cũng là lên mạng. Theo Kantar TNS, năm 1999, trung bình người Việt Nam xem truyền hình 2.3 tiếng/ngày trên tivi, đến năm 2018, số thời gian bỏ ra xem các kênh hình là 2,5 tiếng, nhưng trong đó tivi chỉ còn chiếm 1,2 tiếng/ngày, thời gian online là 1,3 tiếng/ngày. Điều này cho thấy sự dịch chuyển dần trong cách người Việt theo dõi nội dung giải trí từ màn hình tivi chuyển sang màn hình máy tính, điện thoại một cách rõ rệt.
Theo khảo sát năm 2018 của Decision Lab thực hiện với hơn 700 nghìn người trả lời, trung bình có tới 50% người Việt Nam cho rằng họ xem tivi truyền thống ít hơn so với năm trước. Đặc biệt Gen Z có tới 64% trả lời họ xem ít tivi hơn. Thậm chí có tới 67% Gen Z trả lời họ sẵn sàng hủy gói cước truyền hình (số, cáp, vệ tinh) trong tương lai gần. Với hệ thống nội dung số phát triển như hiện nay gần như bất kể ai tiếp cận internet đều xem video, nghe nhạc. Hành vi vừa nghe tivi vừa lướt Facebook trở thành chuyện bình thường.
Nhu cầu giải trí phát triển đa dạng, năng động và chủ động hơn
Với hình thức giải trí qua Tivi, đọc báo, nghe đài mang tính một chiều, người Việt Nam hướng tới giải trí số có tính tương tác cao hơn như game online, livestream, game show trực tiếp, online video trên mạng xã hội. Cách giải trí đó cho phép họ được tương tác trực tiếp với nội dung giải trí, được bày tỏ ý kiến, cảm xúc, cũng như trao đổi với chính nhà sản xuất, sáng tạo nội dung và hàng triệu người chơi, người xem khác.
Riêng trong mảng game, game thủ cũng không còn quá mặn mà với những tựa game chiến thuật Trung Quốc cổ điển như những thời kì đầu của game online nữa. Giờ đây, game thủ hướng tới các tựa game có tính tương tác, tốc độ cao hơn, và dựa trên kĩ năng của người chơi nhiều hơn là tiền túi bỏ ra.
Bên cạnh đó, họ muốn được tham gia vào các đấu trường, so tài, kĩ năng thực thụ, được tiếp cận, giao lưu với những game thủ chuyên nghiệp của nền thể thao điện tử.
Nhu cầu đa dạng, thay đổi nhanh chóng, người tiêu dùng Việt Nam được lựa chọn những gì họ xem và nghe qua mạng dẫn đến thời kỳ có gì xem nấy của người Việt dường như đã không còn. Họ sẵn sàng bỏ theo dõi nhà sáng tạo nội dung không phù hợp với họ, và tự tìm kiếm cho mình nguồn giải trí thú vị hơn.
Trao đổi về xu hướng này, ông Đặng Thái Sơn – CMO Appota – công ty tiên phong trong ngành công nghiệp giải trí số của Việt Nam chia sẻ: "Xu hướng giải trí này sẽ còn tiến xa, thay thế dần các loại hình giải trí truyền thống. Đối với Appota, chúng tôi đã xây dựng hệ sinh thái giải trí với nhiều sản phẩm dịch vụ liên quan đến các loại hình giải trí tương tác cao như livestream, thể thao điện tử… đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của người Việt Nam và khu vực. Appota tin rằng, với hệ sinh thái giải trí vững mạnh, chúng tôi sẽ phát triển hơn nữa, mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho người dân Việt Nam cũng tối đa hóa lợi ích cho các doanh nghiệp trong những năm tiếp theo".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!