Theo báo cáo Thị trường quảng cáo di động và tình hình App Monetization Việt Nam - Số đặc biệt do Adsota phát hành nhân dịp Tết Kỷ Hợi, trong một tuần nghỉ lễ chính thức (từ 29/12 đến Mùng 5/1 Âm Lịch), Mùng 1 Tết là thời điểm bùng nổ về lượt tải và cài đặt ứng dụng (còn gọi là app) trên điện thoại của người Việt.
Với hơn một nửa dân số sở hữu điện thoại thông minh (smartphone), hơn 25% truy cập Internet bằng di động, điện thoại không còn đơn thuần chỉ để liên lạc mà còn là công cụ giải trí, phương tiện làm việc, là vật bất li thân của hơn 30 triệu người Việt Nam. Cũng vì thế, Tết - ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt là thời điểm tạo ra những ảnh hưởng đáng kể với thị trường, thói quen sử dụng di động của người Việt Nam.
Người dùng Việt tăng mạnh lượt tải và cài đặt ứng dụng trong khoảng thời gian 1 tuần Tết Âm lịch
Lượt tải ứng dụng tại Việt Nam - giai đoạn Tết Nguyên Lịch (năm 2017 - 2018)
Theo báo cáo, trong giai đoạn 1 tháng trước, trong và sau Tết, xu hướng cho thấy, một tuần trước khi kì nghỉ bắt đầu, lượt tải ứng dụng di động đạt ngưỡng cao nhất. Đây cũng được xem là thời điểm thích hợp để các nhà quảng cáo triển khai các chiến dịch tiếp cận tới người dùng.
Mùng 1 Tết: Khai xuân bằng ứng dụng
Trong kỳ nghỉ lễ chính thức từ 29 đến Mùng 6 Âm Lịch, mùng 1 Tết dường như là ngày mà người dùng Việt "khai xuân" bằng việc tải ứng dụng về di động của mình. Tuy nhiên, chỉ ngay khi bước sang ngày Mùng 2 Tết, con số này lại giảm tới gần 35%.
Điều này không hẳn là quá khó hiểu khi người dùng Việt vừa được coi là những user tích cực tải ứng dụng mới hàng tháng nhất, nhưng đồng thời cũng gỡ bỏ nhiều ứng dụng nhất khi xét trên toàn thế giới.
Nghỉ lễ, người người vẫn lo nghĩ về công việc nhưng giải trí lại là ưu tiên hàng đầu
Các nhóm ứng dụng di động được tải và cài đặt tăng cao nhất trong dịp tết Nguyên Đán tại APAC
Cũng theo bản báo cáo, vào dịp nghỉ lễ Tết 2018, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC), đáng ngạc nhiên là các ứng dụng liên quan đến hỗ trợ công việc hay thuộc danh mục Cải thiện hiệu suất, quản lý công việc (Productivity) và Công cụ (Tools & Utility) lại có tỉ lệ tải và cài đặt tăng trưởng cao nhất, lên đến khoảng 42% tổng số lượt tải app mới trong khu vực APAC. Điều này cho thấy người dùng vẫn chưa thực sự thoát khỏi guồng quay của công việc dù là trong kỳ nghỉ lễ.
Về các ứng dụng thuộc danh mục Game, dễ hiểu khi những trò chơi mang tính casual (được hiểu là game Phổ thông) hay Game bài lại được người dùng trong khu vực chú ý đến nhiều nhất. Lý giải cho điều đó, có nhiều quốc gia châu Á đông dân và có xu hướng yêu thích những tựa game này như Trung Quốc, Indonesia hay ngay cả Việt Nam.
Dù người dùng di động khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, tải rất nhiều ứng dụng nhằm hỗ trợ công việc, học tập giai đoạn trước và trong Tết, nhưng họ lại dành phần lớn thời gian để nghe nhạc, xem video, nhắn tin và chơi game, đặc biệt là thể loại game Arcade, với các game nổi bật như Angry Bird, Subway Surfers, Piano Tiles…; thay vì sử dụng các ứng dụng phục vụ công việc đã tải về từ trước đó.
Các nhóm ứng dụng di động được sử dụng nhiều nhất trong dịp tết Nguyên Đán, tại APAC
Bên cạnh đó, người dùng cũng thường xuyên truy cập và sử dụng các ứng dụng chụp ảnh và chỉnh sửa hình ảnh nhiều hơn so với các ngày bình thường khác.
Thói quen sử dụng ứng dụng của người dùng thay đổi ra sao trong Tết Kỷ Hợi 2019?
Ông Trần Quốc Toản, CEO của Adsota nhận định: "Từ cuối năm 2018, thống kê cho thấy cứ 60 phút sử dụng di động, người dùng sẽ dành ra 10 phút để xem video trên các ứng dụng. Vậy nên, các video streaming app như Youtube, Facebook hay Tik Tok sẽ là nhóm ứng dụng được tải nhiều và sử dụng cực kỳ sôi động trong kỳ nghỉ Tết năm nay".
Bên cạnh đó, dự báo cho thấy người dùng di động Việt sẽ chi tiêu nhiều hơn Tết năm trước từ 20 đến 30% để để mua các tính năng, nội dung chất lượng, có bản quyền bên trong ứng dụng di động. Các ứng dụng được chi nhiều nhất thường thuộc nhóm học tập/phục vụ cho công việc (như Google Drive), các ứng dụng giải trí chất lượng (Netflix, Bingo), thậm chí là các ứng dụng hẹn hò.