Nguy cơ nghiện công nghệ từ nhà trường tại Dubai

Nhóm PV thường trú Đài THVN tại Trung Đông-Thứ ba, ngày 06/10/2020 11:47 GMT+7

VTV.vn - Thế hệ trẻ tại Dubai đang phải đối mặt với các triệu chứng nghiện thiết bị thông minh, đặc biệt trong bối cảnh áp dụng mô hình học trực tuyến mùa dịch COVID-19.

Các thiết bị thông minh đang ngày càng được sử dụng phổ biến tại nhiều trường học trên thế giới. Điều này giúp cho học sinh có thể tiếp cận dễ dàng hơn với tri thức và công nghệ. Nhưng cùng với đó, một câu hỏi cũng được đặt ra, đó là khi thiết bị thông minh trở thành một dụng cụ học tập, liệu cha mẹ còn có thể kiểm soát được việc sử dụng công nghệ của con cái mình?

Bà Shahana Raza giờ đây thường hay cảm thấy cô đơn trong ngôi nhà của chính mình. Gia đình bà vốn rất quấn quýt. Tuy nhiên, dù các con bà hiện nay vẫn ở đây nhưng dường như đã lạc vào thế giới khác. Từng đam mê hội họa, để rồi điện thoại, máy tính bảng cứ chiếm dần cuộc sống của các con bà. Những bức tranh,nếu được vẽ ra, nay đã mang những màu sắc rất khác.

"Khi đứa trẻ đi lấy nước uống cũng không thể bỏ điện thoại xuống, đó là lúc tôi nhận ra vấn đề. Con tôi từng rất tiềm năng, nó đam mê nghệ thuật, thể thao. Nhưng mọi thứ cứ thế sụp đổ" - bà Shahana Raza chia sẻ.

Cùng tình cảnh, bà Ashwinin cũng đang vất vả để tìm tiếng nói chung với con mình. Không điều gì giờ đây có thể khiến cậu bé vui vẻ ngoài chiếc máy tính bảng. Mọi việc càng trở nên khó khăn khi các trường học tại Dubai áp dụng triệt để công nghệ cùng mô hình dạy trực tuyến trong giai đoạn dịch COVID-19.

"Trước đây, tôi quy định là chỉ 30 phút chơi iPad hay điện thoại mỗi ngày. Hiện nay, khi iPad được yêu cầu sử dụng tại nhà trường và học trực tuyến, duy trì sự cân bằng cho con bỗng trở nên quá khó khăn. Dần dần tôi nhận ra cháu hay cáu giận, bực tức và mất khả năng trò chuyện" - bà Ashwinin cho biết.

Theo chuyên gia tâm lý Cintia Ramos, không thể cự tuyệt các lợi ích của công nghệ. Tuy nhiên, khi đã xem các thiết bị thông minh thiết yếu như cây bút hay tập vở, sẽ cần có quy định rõ ràng về thời gian tối đa của học sinh với công nghệ hay vai trò nhà trường trong quản lý học sinh sử dụng công nghệ như thế nào tại lớp học.

"Tương tác quá nhiều với màn hình khiến các kỹ năng xã hội của học sinh bị suy yếu. Nó còn gây ra các vấn đề về tập trung bởi khi các em quen xử lý mọi thứ với thiết bị thông minh, tất cả thường diễn ra rất nhanh. Dần dần các em sẽ đánh mất khả năng kiên nhẫn, muốn mọi thứ đều phải có nhanh chỉ sau một cú chạm màn hình mà thôi" - chuyên gia tâm lý Cintia Ramos nhấn mạnh.

Sử dụng các thiết bị thông minh trong học tập từng được xem như tiếng gọi của thời đại tại Trung Đông. Tuy nhiên, một số cuộc khảo sát gần đây cho thấy, tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, tới 1/3 thế hệ trẻ đang có các triệu chứng nghiện thiết bị thông minh. Ngày càng có nhiều kêu gọi cần chậm lại để có nghiên cứu đầy đủ hơn, áp dụng công nghệ trong học đường như thế nào cho hợp lý.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước