Những tập đoàn này không chỉ kìm hãm sự phát triển của những đối thủ mà còn chỉ chịu rất ít quy định và hạn chế từ nhiều quốc gia. Vậy liệu các công ty này có đang vượt ra tầm kiểm soát của giới chức các nước?
Những ông chủ của Google, Amazon, Facebook và Apple là những người có thể "hô mưa gọi gió". 4 công ty công nghệ này có sức mạnh rộng lớn. Chìa khóa nắm giữ thành công của họ nằm ở dữ liệu lớn khi các sản phẩm và dịch vụ trực tuyến mà họ cung cấp đang được sử dụng bởi hàng tỷ người trên thế giới.
Có chuyên gia đã từng nói rằng, những hãng công nghệ này còn hiểu người dùng chúng ta hơn cả người thân trong gia đình.
Ví như khi người dùng tìm kiếm một sản phẩm bất kỳ trên Google Search, ngay lập tức, kết quả tìm kiếm bao gồm cả giá sản phẩm sẽ hiện ra ngay trang đầu và phần lớn những trang này đều là những trang dịch vụ bán hàng thuộc chính Google.
Liên minh châu Âu cho rằng Google đã lợi dùng vị thế thống lĩnh thị trường để thúc đẩy các dịch vụ bán hàng của mình thông qua kết quả tìm kiếm trên Internet một cách thiếu công bằng với các đối thủ. Thế nên, EU đã áp mức phạt kỷ lục 2,4 tỷ EUR (hơn 60.000 tỷ đồng) đối với gã khổng lồ công nghệ Mỹ.
Nếu như những ông lớn cảm thấy mối đe dọa từ một công ty đối thủ, họ có 2 cách để xử lý là phá hủy hoặc thâu tóm công ty kia. Ví dụ điển hình là phi vụ Facebook mua lại Instagram và Whatsapp.
Thế nên, không chỉ EU mà nhiều quốc gia khác cũng đã phải lên tiếng kêu gọi phá vỡ sự thống trị của những tập đoàn nắm trong tay dữ liệu lớn.
Tuy nhiên, xét cho cùng để kìm hãm sự phát triển của những tập đoàn có tốc độ thay đổi tính theo ngày, theo giờ, có lẽ, luật lệ các nước cần phải có sự nhanh nhạy nhất định. Đó là chưa kể các công ty này rất được ưa chuộng khi họ cung cấp các dịch vụ miễn phí cho hàng tỷ người. Và đương nhiên, cái gì miễn phí lúc nào cũng rất dễ để mọi người châm chước bỏ qua những rủi ro tiềm tàng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!