Nhìn lại sự nghiệp "cha đẻ" của chuột máy tính

Hải Minh (dịch)-Thứ sáu, ngày 05/07/2013 11:00 GMT+7

 Người đầu tiên tạo ra chuột máy tính – nhà phát minh Douglas C. Engelbart vừa qua đời ở tuổi 88. Trong suốt cuộc đời làm khoa học của mình, Engelbart đã nhận được vô số vinh quang vì những đóng góp của cá nhân cho khoa học Mỹ và thế giới.

Mặc dù chuột không phải là chuẩn mực để điều khiển máy tính cho đến khi Apple cho ra đời Macintosh vào năm 1984, tuy nhiên, từ trước đó 20 năm, chú chuột máy tính đầu tiên trên thế giới đã được tạo ra bởi nhà phát minh Douglas C. Engelbar.

‘ Douglas C. Engelbar là người đặt nền móng cho việc điều khiển máy tính bằng chuột

Ông chưa bao giờ nhận được tiền bản quyền cho phát minh về chuột của mình. Trong một bài phỏng vấn, ông nói rằng "SRI (nơi ông Elgelbar đã công tác trong khoảng thời gian đó) đã đăng ký sáng chế chuột, nhưng họ thực sự không có ý tưởng nào về giá trị của nó. Vài năm sau, người ta biết rằng họ đã cấp phép sử dụng chuột máy tính cho Apple với một khoản tiền khoảng 40.000 USD".

Trong một sự kiện có thể coi là "ngày ra đời" chính thức của điện toán cá nhân về sau, có tên "Mẹ của mọi buổi thuyết trình" (Mother of All Demos), ngày 19 tháng 12 năm 1968, Engelbart đã giới thiệu trên sân khấu Brooks Hall ở San Francisco về NLS (oNLine System), giải pháp phần mềm và phần cứng bao gồm một loạt các sáng chế của ông thời gian qua và trình bày viễn cảnh của ông về thời đại máy tính cá nhân và mạng máy tính.

“Trong khoảng một giờ đồng hồ, Douglas C. Engelbart đã chỉ ra cho mọi người thấy làm thế nào để một mạng lưới, một hệ thống máy tính tương tác có thể cho phép thông tin được chia sẻ trực tiếp. Ông ấy đã biểu diễn với con chuột máy tính của mình, thứ mà ông đã bỏ ra 4 năm trước đó để nghiên cứu, và chứng minh rằng nó có thể dùng để điều khiển máy tính”, biên tập viên John Markoff của New York Times nói về sự kiện đáng nhớ kể trên.

Engelbart sinh ra tại Portland, Oregon ngày 30 tháng 1 năm 1925, là con thứ hai trong ba người con của một gia đình có bố là người Đức, mẹ là người gốc Thụy Điển và Na Uy. Cha ông mất năm ông lên 9 hoặc 10 tuổi, và gia đình chuyển sang vùng nông thôn Johnson Creek.

Tốt nghiệp trường Trung học Franklin (Oregon), ông vào học tại Đại học Bang Oregon. Đang học dở thì vào cuối Thế chiến thứ hai, ông nhận thông báo nhập ngũ, phục vụ trong hai năm ở Philippines với vai trò kỹ thuật viên radar. Sau chiến tranh, ông trở lại trường, nhận bằng cử nhân kỹ thuật điện năm 1948 và được nhận vào làm tại Hội đồng Tư vấn Quốc gia về Hàng không.

Ông theo học sau đại học tại Đại học California tại Berkeley, nhận bằng thạc sĩ năm 1953 và tiến sĩ chỉ hai năm sau đó, 1955. Thời gian này ông đã góp phần xây dựng Dự án Máy tính điện tử California CALDIC và nghiên cứu của ông về sau được cấp một số bằng sáng chế. Ông được giữ lại giảng dạy ở Berkely nhưng từ chức sau đó một năm. Ông lập một công ty khởi nghiệp lấy tên là Digital Techniques để thương mại hóa nghiên cứu của ông về các thiết bị lưu trữ, nhưng cuối cùng từ bỏ kinh doanh để theo đuổi nghiên cứu mà ông ước mơ từ lâu.

Engelbart được biết đến nhiều nhất với công trình liên quan tới tương tác người-máy, đặc biệt trong thời gian ông điều hành Phòng thí nghiệm Trung tâm Nghiên cứu Tăng cường của SRI International, nơi phát minh ra chuột máy tính, phát triển siêu văn bản, máy tính kết nối mạng và những phác thảo ban đầu cho giao diện đồ họa người dùng.

Trong thời kỳ đầu của kỷ nguyên máy tính, ông đã là người đề xướng mạnh mẽ và tận tụy cho việc sử dụng máy tính và mạng máy tính để giải quyết những bài toán ngày càng khẩn thiết và phức tạp của thế giới, đồng thời không ngừng cổ vũ cho ý tưởng về máy tính cá nhân sử dụng rộng rãi cho mọi người. ông đã nhận được nhiều sự vinh danh cho những đóng góp của mình, trong đó có Giải thưởng Turing năm 1997 và Huy chương Công nghệ Quốc gia từ Tổng thống Hoa Kỳ năm 2000.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước