Phát tán thư rác, phần mềm độc hại là hành vi bị nghiêm cấm

Phi Long-Thứ ba, ngày 01/12/2015 18:09 GMT+7

Ông Nguyễn Huy Dũng - Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin trình bày về nội dung chính trong Luật An toàn thông tin mạng

VTV.vn - Tại sự kiện Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2015, Cục ATTT đã trình bày các nội dung chính trong Luật an toàn thông tin mạng, trong đó gồm 6 nhóm hành vi bị nghiêm cấm.

Vừa qua, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã chính thức thông qua dự án Luật An toàn thông tin mạng với kết quả biểu quyết là 424/425 phiếu tán thành. Báo cáo tại sự kiện Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2015 tổ chức tại Hà Nội ngày 1/12, ông Nguyễn Huy Dũng - Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình bày về những nội dung chính được đề cập trong Luật An toàn thông tin mạng.

Theo Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, những quy định trong Luật An toàn thông tin mạng hoàn toàn xuất phát từ thực tế với những vấn đề đang gây bức xúc dư luận xã hội như xâm nhập tài khoản cá nhân, đánh cắp thông tin cá nhân trái phép, phát tán thư rác, phần mềm độc hại…

Cụ thể, về nguyên tắc bảo đảm an toàn thông tin, tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn thông tin trong hoạt động của mình. Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân không được xâm phạm an toàn thông tin của tổ chức, cá nhân khác.


6 nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong Luật An toàn thông tin mạng

6 nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong Luật An toàn thông tin mạng

Về các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật An toàn thông tin mạng, ông Nguyễn Huy Dũng đã trình bày rõ ràng về 6 nhóm hành vi, bao gồm:

- Xâm phạm tính nguyên vẹn: Sửa đổi, làm sai lệch thông tin trên mạng trái pháp luật.

- Xâm phạm tính khả dụng: Ngăn chặn, gây ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của hệ thống thông tin hoặc tới khả năng truy nhập hệ thống thông tin của người sử dụng.

- Xâm phạm tính bảo mật: Truy cập, sao chép, phá mã.

- Thực hiện giả mạo: Thiết lập hệ thống thông tin giả mạo, lừa đảo.

- Lợi dụng điểm yếu: Tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật, làm mất tác dụng của biện pháp bảo vệ.

- Phát tán mã độc: Phát tán thư rác, phần mềm độc hại.


5 cấp độ an toàn của thông tin và hệ thống thông tin

5 cấp độ an toàn của thông tin và hệ thống thông tin

Về vấn đề bảo vệ thông tin, ông Nguyễn Huy Dũng cho biết để có thể bảo vệ thông tin hiệu quả, trước hết, cần tiến hành phân loại, xác định cấp độ theo mức độ quan trọng của thông tin và hệ thống thông tin. Theo hệ thống phân cấp hiện hành, có 5 cấp độ an toàn của thông tin và hệ thống thông tin, bao gồm:

- Cấp độ 1: Khi bị phá hoại chỉ làm tổ hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của một tổ chức, cá nhân cụ thể.

- Cấp độ 2: Khi bị phá hoại sẽ làm tổn hại tới lợi ích công cộng của xã hội.

- Cấp đô 3: Khi bị phá hoại sẽ làm tổn hại nghiêm trọng tới lợi ích công cộng của xã hội hoặc làm tổn hại tới quốc phòng, an ninh của đất nước.

- Cấp độ 4: Khi bị phá hoại sẽ làm tổn hại đặc biệt nghiêm trọng tới lợi ích công cộng của xã hội hoặc tổn hại nghiêm trọng tới quốc phòng, an ninh của đất nước.

- Cấp độ 5: Khi bị phá hoại sẽ làm tổn hại đặc biệt nghiêm trọng tới quốc phòng, an ninh của đất nước.

Các tiêu chí, thủ tục xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin và trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin theo từng cấp độ sẽ được Chính phủ quy định rõ trong Luật An toàn thông tin mạng.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước