Quá trình thâu tóm Twitter đầy trắc trở của Elon Musk

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 28/10/2022 17:20 GMT+7

VTV.vn - Giám đốc điều hành Tesla - tỷ phú Elon Musk mới đây đã hoàn tất việc thâu tóm Twitter.

Sự kiện này được cho là sẽ đặt Twitter - một trong những nền tảng mạng xã hội có ảnh hưởng nhất thế giới - vào quá trình thay đổi sâu rộng.

Tỷ phú Elon Musk chính thức tiếp quản Twitter

Trước đó 1 hôm, tỷ phú Elon Musk đã tới trụ sở của Twitter và cập nhật thông tin cá nhân trên mạng xã hội này với chức danh Giám đốc Twitter (Chief Twit).

Trong thông điệp trên Twitter, ông Elon Musk khẳng định, mục tiêu của ông khi mua lại mạng xã hội này là đảm bảo môi trường tranh luận lành mạnh thay vì là nơi thể hiện những quan điểm tiêu cực để gây thù hằn và chia rẽ trong xã hội.

Quá trình thâu tóm Twitter đầy trắc trở của Elon Musk - Ảnh 1.

Elon Musk bước vào trụ sở Twitter với chiếc bồn rửa trên tay và cập nhật thông tin cá nhân là "sếp của Twitter" (Ảnh: AP)

Ngay sau khi tiếp quản Twitter, Elon Musk đã sa thải một số lãnh đạo cấp cao của Twitter, trong đó có CEO Parag Agrawal, Giám đốc tài chính Ned Segal.

Vị tỷ phú này cũng cho biết, ông có kế hoạch cắt giảm việc làm, thông tin khiến khoảng 7.500 nhân viên cảm thấy bất an.

Hiện tại, người phát ngôn của Twitter vẫn chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.

Quá trình thâu tóm Twitter đầy trắc trở

Ông Elon Musk đã hoàn thành thỏa thuận 1 ngày trước thời hạn do tòa án đặt ra, đó là hoàn tất việc mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD trước ngày 28/10 hoặc phải ra tòa.

Thương vụ thâu tóm Twitter trước đó đã đẩy vị tỷ phú này vào rắc rối kiện tụng với Twitter, làm tổn hại đến danh tiếng của ông. Cùng nhìn lại quá trình thương lượng và kiện tụng giữa hai bên.

Quá trình thâu tóm Twitter đầy trắc trở của Elon Musk - Ảnh 2.

Thương vụ mua lại Twitter của tỷ phú Elon Musk là cả một hành trình đầy trắc trở (Ảnh: Fox Business)

Sau khi công bố kế hoạch thâu tóm Twitter vào tháng 4/2022, đến tháng 7, tỷ phú Elon Musk lại tìm cách rút khỏi thỏa thuận. Lý do mà Elon Musk đưa ra là Twitter đã không trung thực trong việc cung cấp số liệu tài khoản spam, giả mạo, đồng thời từ chối trao cho ông toàn quyền xử lý lượng dữ liệu này.

Việc Elon Musk rút khỏi thỏa thuận khiến Twitter nhanh chóng rơi vào khủng hoảng, giá cổ phiếu lẫn vốn hóa của công ty liên tục bay hơi. Do đó, đại diện mạng xã hội Twitter đã kiện Elon Musk với lý do phá vỡ hợp đồng, đồng thời yêu cầu vị tỷ phú hoàn tất thương vụ.

Cuối cùng, vào ngày 4/10, vị tỷ phú công nghệ này lại bất ngờ thay đổi ý định và tuyên bố tiếp tục thỏa thuận mua lại Twitter với giá gốc. Điều này sẽ giúp ông và cả Twitter tránh được một trong những vụ kiện liên quan đến Mua lại và sáp nhập (M&A) gây tranh cãi lớn nhất.

Được biết, trước khi Elon Musk thông báo tiếp tục thương vụ mua lại Twitter, ông đã thương lượng với Twitter rất nhiều lần để hạ giá bán. Cụ thể, vị tỷ phú muốn Twitter giảm giá xuống 30% so với giá bán ban đầu, tức là chỉ còn 31 tỷ USD. Tuy nhiên, Twitter đã dứt khoát từ chối đề nghị này.

Không từ bỏ ý định, Elon Musk tiếp tục thảo luận với Twitter về giá sáp nhập mới. Ông đã đề nghị trả 39,6 tỷ USD, giảm 10% so với con số 44 tỷ USD trước đó của thương vụ. Nhưng cuộc thương lượng này cũng lại tiếp tục rơi vào ngõ cụt.

Cuối cùng, vị tỷ phú đành gửi một bức thư tới Twitter, trong đó đề cập việc nối lại thỏa thuận mua lại mạng xã hội với giá thầu ban đầu là 54,2 USD/cổ phiếu.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước