Trong những năm gần đây, quảng cáo kỹ thuật số đã trở thành một xu hướng phát triển vô cùng mạnh mẽ. Đặc biệt là từ đầu năm 2020, sự bùng phát của COVID-19 càng thúc đẩy hoạt động và quảng cáo của các doanh nghiệp trên nền tảng trực tuyến.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng xuất hiện hàng loạt sự kiện khiến không ít các nhà quảng cáo phải đặt ra nghi vấn về việc có nên tiếp tục sử dụng các dịch vụ trên các nền tảng quảng cáo trực tuyến hiện tại nữa hay không.
Brand safety dần trở thành mối quan tâm hàng đầu
Tháng 1 năm nay dường như là một khởi đầu không mấy suôn sẻ của ngành quảng cáo khi Google quyết định loại bỏ cookie của bên thứ ba khỏi trình duyệt Chrome sau khi bị điều tra về bảo mật người dùng.
Cũng trong tháng này, YouTube vấp phải bê bối về “thông tin sai lệch” khiến nhiều nhãn hàng đứng trước nguy cơ lớn về vấn đề brand safety (an toàn thương hiệu). Cụ thể, khi người dùng tìm kiếm về vấn đề “global warming”, có tới 16% trong số Top 100 video đầu tiên chứa những thông tin sai lệch. Đặc biệt, các quảng cáo của những nhãn hàng lớn như Carrefour, Decathlon, Ecosia, Greenpeace Spain, L’Oréal, Samsung và cả WWF đều xuất hiện cùng với những video này.
Những thương hiệu trên phản hồi rằng, họ không hề được biết hay báo trước về vấn đề này. Không dừng lại ở đó, mới đây, chiến dịch #StopHateForProfit đã bùng nổ do sự thờ ơ của Facebook trước nạn phân biệt chủng tộc, các nội dung gây thù hằn, bạo lực và thông tin giả tràn lan nền tảng này. Hàng loạt thương hiệu lớn đã tham gia tẩy chay quảng cáo Facebook như: The North Face, Unilever, Adidas, Ford, Denny's, Volkswagen, Microsoft,.. và cả tập đoàn viễn thông đa quốc gia Verizon.
Dường như chưa bao giờ vấn đề an toàn thương hiệu lại được quan tâm và phản ánh dữ dội như vậy. Càng ngày các nhãn hàng càng nhận thức rõ hơn những thiệt hại lâu dài mà họ sẽ phải đối diện khi không chú tâm đến vấn đề này. Theo nghiên cứu của Cheq, việc xuất hiện bên cạnh các nội dung tiêu cực có thể làm giảm tương tác của khách hàng với thương hiệu tới 2,8 lần.
Sự “chao đảo” của hàng loạt nền tảng quảng cáo lớn như trên khiến các thương hiệu buộc phải nhanh chóng tìm được nền tảng quảng cáo thay thế, đáp ứng được nhu cầu truyền tải thông điệp, tương tác và đặc biệt là phải mang đến một môi trường an toàn cho thương hiệu. Theo đó, native advertising ngày càng trở thành “đứa con cưng” của các nhãn hàng, trong đó quảng cáo in-game là một trong những lựa chọn hàng đầu.
Quảng cáo in-game: Một mũi tên trúng hai đích
Hiện tại, các nhà phát hành game lớn cũng thường được nhắc tới như những thương hiệu nổi tiếng. Chính vì vậy, việc hợp tác quảng cáo với họ đem lại lợi ích. Những tính năng công nghệ đã được tích hợp sẵn trong game sẽ giúp cả hai bên kiểm soát một cách tối ưu những vị trí mà quảng cáo xuất hiện. Ngoài ra, không chỉ nắm trong tay lượng người dùng khổng lồ, những thương hiệu này còn biết rõ đối tượng khách hàng và tính chất mà từng game mang lại.
Trong thời đại quảng cáo có phần phụ thuộc vào các mạng xã hội như hiện nay, sự thiếu kiểm soát đối với các nội dung quảng cáo đã khiến không ít doanh nghiệp phải đau đầu. Bởi lẽ, đây là một trong số những tác nhân lớn gây ra mối đe dọa đối với sự an toàn của thương hiệu. Ngược lại, game là một môi trường được xây dựng nhằm đề cao tính trải nghiệm thay vì phụ thuộc vào nội dung.
Chính vì vậy, việc sử dụng quảng cáo In-game sẽ giao toàn quyền kiểm soát nội dung quảng cáo cho doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được nguồn lực dành cho việc kiểm duyệt và tập trung phát triển phương thức quảng cáo tối ưu nhất với trải nghiệm của tập khách khách hàng mà họ đang hướng tới.
Việc hướng về các đối tượng khách hàng trẻ trung cũng không hề hạn chế phân khúc khách hàng mà thị trường gaming sở hữu, đặc biệt là những đối tượng đầy tiềm năng nhưng lại khó tiếp cận. Trong hội nghị CES 2020, Grace Loan, Phó Chủ tịch Marketing tích hợp tại Samsung cho biết: “Khi nhìn vào thị trường gaming hiện nay, bạn sẽ hiểu đây không còn là một sở thích “ngách” nữa. Đặc biệt là khi lượng khách hàng tại Mỹ đang tham gia các hoạt động Gaming hiện rơi vào khoảng 68%”.
Với quảng cáo In-game, doanh nghiệp có thể tiếp cận từ những game thủ ăn ngủ cùng trò chơi trực tuyến cho tới những người có đam mê mãnh liệt với việc được xem người khác chơi game, hay số lượng lớn những người chơi các game Casual chỉ để giết thời gian nhưng có tỷ lệ truy cập ứng dụng hằng ngày vô cùng ấn tượng. Theo đó, các thương hiệu cũng dần dần nhận ra tiềm năng của thị trường này.
Trong tương lai, khi chất lượng và loại hình game tăng lên, những đối tượng mà thị trường này có thể tiếp cận chắc chắn sẽ càng trở nên đa dạng, mở ra “miền đất hứa” màu mỡ cho ngành quảng cáo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!