Số rác thải điện tử ở 12 quốc gia châu Á được nghiên cứu đã tăng 63% trong giai đoạn 2010 - 2015. Trong đó, Trung Quốc là nước xả nhiều rác thải điện tử nhất. Trong vòng 5 năm (từ 2010 - 2015), lượng rác điện tử nước này xả ra đã tăng hơn 2 lần.
Châu Á hiện là thị trường thiết bị điện tử, gia dụng lớn nhất, chiếm gần một nửa doanh số toàn cầu, nhưng cũng là khu vực tạo ra nhiều rác thải điện tử nhất. Những yếu tố góp phần dẫn đến thực trạng này là thu nhập tăng, dân số trẻ bùng nổ, sản phẩm lỗi thời nhanh chóng do công nghệ cải tiến và mẫu mã không ngừng thay đổi và nạn buôn bán rác thải điện tử bất hợp pháp.
Rác thải điện tử ảnh hưởng đến sức khỏe con người qua các con đường ô nhiễm đất, nước, không khí. Các sản phẩm điện tử thường được chế tạo từ kim loại nặng, bán kim loại và nhiều hợp chất hóa học khác nhau. Những hóa chất và kim loại như chì, thủy ngân, đồng, Niken, Bari hay Arsen hiện diện trong rất nhiều sản phẩm điện tử. Nhiều hóa chất và kim loại trong số này được biết đến như nguyên nhân của những căn bệnh nghiêm trọng như ung thư, suy giảm nhận thức hay khiến các cơ quan nội tạng bị hủy hoại.
Ngoài nguy cơ môi trường, rác thải điện tử cũng tạo ra mối đe dọa về an ninh thông tin đối với cá nhân và tổ chức. Nếu một ổ cứng không được xóa đi đúng cách trước khi bị bỏ đi, nó có thể bị xâm nhập và lấy đi các thông tin nhạy cảm. Số thẻ tín dụng, dữ liệu tài chính và thông tin tài khoản có thể bị lấy đi theo cách này. Có nhiều loại tội phạm có tổ chức chuyên khai thác thông tin mật từ các ổ đĩa máy tính bị vứt bỏ.
Có tới 90% số rác thải điện tử bị buôn bán trái phép và ngày càng có nhiều cơ sở phi pháp trên thế giới khai thác người lao động nghèo qua các công việc xử lý, bóc tách rác thải điện tử. Những người lao động này không có quyền con người, bị phơi nhiễm chất độc hại hàng ngày. Một số trong đó bị ép buộc làm việc nhiều giờ, càng khiến họ bị đe dọa trước các nguy cơ sức khỏe.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!