IoT (Internet of Things) là thuật ngữ để chỉ các đối tượng đã được định danh và sự tồn tại của những đối tượng này trong kiến trúc mang tính kết nối. Thuật ngữ được đưa ra bởi Kevin Ashton - một nhà khoa học đã sáng lập ra Trung tâm Auto-ID ở đại học MIT - năm 1999. Về cơ bản, IoT được ví như một tập hợp các thiết bị có khả năng kết nối với nhau, kết nối với mạng Internet và kết nối với thế giới bên ngoài để thực hiện các công việc.
Điểm quan trọng của IoT là các đối tượng phải có thể định dạng được (identifiable). Nếu mọi đối tượng, kể cả con người, được "đánh dấu" để phân biệt bản thân đối tượng đó với những thứ xung quanh, những đối tượng đó đều có thể quản lý được thông qua máy tính mà không cần tiếp xúc trực tiếp. Việc đánh dấu (tagging) có thể được thực hiện thông qua nhiều công nghệ như RFID, NFC, mã vạch, mã QR, watermark kĩ thuật số... Trong khi đó, việc kết nối không chỉ hạn chế ở kết nối có dây mà còn có thể thực hiện qua kết nối không dây như Wi-Fi, mạng viễn thông băng rộng (3G, 4G), Bluetooth, ZigBee, hồng ngoại...
Theo dự báo của Gartner - công ty chuyên thực hiện nghiên cứu và tư vấn về công nghệ tại Mỹ, sẽ có khoảng hơn 24 tỷ thiết bị IoT được lắp đặt trên toàn cầu vào năm 2020. Điều này đồng nghĩa với việc trung bình mỗi người sẽ sở hữu hơn 4 thiết bị kết nối Internet trong tương lai. Những thiết bị này không chỉ là smartphone, máy tính bảng hay laptop mà còn bao gồm cả mọi vật dụng và phương tiện con người sử dụng hàng ngày có khả năng kết nối với nhau hoặc kết nối với Internet. Thông qua các hình thức kết nối và trao đổi dữ liệu, mọi vật dụng đều có khả năng trở nên "thông minh" hơn.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!