Khách mời tham gia hội thảo có cơ hội trải nghiệm khả năng tương tác của robot NAO với con người và các ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục (Ảnh minh họa)
Khái niệm robot xuất hiện từ cuối thế kỷ XX, tuy nhiên, chỉ trong 60 năm qua, thị trường robot mới có những phát triển vượt bậc và trở thành một thị trường khổng lồ trị giá hàng tỷ USD. Nếu như trước đây, robot chỉ ứng dụng nhiều trong các lĩnh vực công nghiệp thì trong giai đoạn từ năm 2014 - 2019, thị trường robot cho tiêu dùng và văn phòng dự kiến sẽ tăng trưởng tới 17%. Tốc độ này nhanh gấp 7 lần thị trường robot công nghiệp.
Không chỉ có Nhật Bản, nhiều quốc gia trên thế giới từ lâu đã tích cực khai thác robot trong các lĩnh vực của đời sống. Nhiều cửa hàng, công ty ở Mỹ sử dụng robot thu ngân, lễ tân; Singapore đang sử dụng robot thiên nga để giám sát chất lượng nước; khu vực Trung Đông đã sử dụng robot trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp; nhiều nước Châu Âu và Nhật Bản đang phát triển và sử dụng các loại robot trợ giúp người bệnh và người già…
Theo một nghiên cứu điều tra của tập đoàn SoftBank, 5 lĩnh vực con người mong muốn có sự tham gia làm việc của robot nhất bao gồm: hướng dẫn khách hàng (32,7%), tiếp thị cửa hàng bán lẻ (26%), dịch vụ sự kiện (21,2%), giáo dục (19,2%), xuất nhập khẩu (19,2%).
Thị trường robot tại Nhật Bản được dự đoán sẽ tăng gấp 12 lần chỉ trong 5 năm tới
Ngoài ra, khi được hỏi về việc có muốn ghé thăm các cửa hàng có robot làm việc hay không, 61% người được hỏi đã trả lời có, trong đó gồm những người vì tò mò muốn xem robot có thể làm gì (61,4%), những người muốn so sánh giữa dịch vụ của con người và robot hoặc muốn trò chuyện với robot (26,6%).
Trước hiện trạng này, hội thảo “SoftBank Smart Robotics - Tương lai trong tầm tay” tổ chức vào ngày 26/8/2016 sẽ tập trung trao đổi và giải đáp các vấn đề về thị trường robot thế giới, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, xây dựng các giải pháp phần mềm và ứng dụng robot trong lĩnh vực đào tạo tại Việt Nam. Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực robot, đại diện tập đoàn SoftBank tại Việt Nam và các đơn vị triển khai gồm FPT Software, Tổ chức giáo dục Hoa kỳ - IAE (Institute of American Education). Khách mời tham gia hội thảo sẽ có cơ hội được tận mắt trải nghiệm những ứng dụng thực tế, giao lưu, tương tác với những chú robot NAO đến từ Nhật Bản.
Đứng trước câu hỏi, liệu robot có thể “cướp” việc làm của con người hay không, ông Takashi Morimoto - Tổng Giám đốc SoftBank Telecom Việt Nam cho biết: “Robot NAO được coi như một sản phẩm hữu ích giúp truyền cảm hứng cho học viên hoặc khách hàng, thực hiện chính xác các công việc có tính lặp lại, từ đó giải phóng sức lao động của con người chứ không thể thay thế hoàn toàn các công việc của con người”.
Tại Việt Nam, robot đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, chủ yếu trong các nhà máy công nghiệp và lau dọn nhà cửa. Tuy nhiên, tại hội thảo “Robotic - Tương lai trong tầm tay”, lần đầu tiên robot được đem vào ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục. Theo đó, các robot sẽ có nhiệm vụ tương tác, tạo cảm hứng và hướng dẫn các em nhỏ học tiếng Anh, phát âm chuẩn như người bản ngữ.
Cho đến hiện tại, thị trường robot đã thực sự bùng nổ, Việt Nam cũng không thể đứng ngoài xu thế chung này. Mới đây, Chính phủ đã chấp thuận dự án đầu 300 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất chip với công suất 400 triệu chip/năm.
Trước chiến thắng lần thứ 5 tại giải Robocon quốc tế (ABU Robocon) của đội tuyển Robocon Việt Nam đi cùng với sự thành công của các sinh viên tại các cuộc thi lập trình trong nước và quốc tế, ông Trần Huy Bảo Giang - Giám đốc Công nghệ FPT Software cho rằng đây là những tín hiệu đáng mừng, cho thấy đội ngũ lập trình ứng dụng cho robot của Việt Nam hoàn toàn sẵn sàng cho sự chuyển dịch công nghệ.
Theo dự báo, trong vòng 20 năm tới, robot sẽ ngày càng có ảnh hưởng tới đời sống của toàn xã hội và sẽ có thêm rất nhiều lĩnh vực có sự tham gia của robot. Tuy nhiên, việc phát triển “trí thông minh” của robot đến mức nào, khả năng tương tác của robot ra sao vẫn là những bài toán đặt ra cho các nhà phát triển.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!