Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng, tác động đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tận dụng thời điểm này, ngày càng có nhiều bạn trẻ tại Việt Nam tham gia khởi nghiệp.
Tuy nhiên, cũng có không ít dự án Startup gặp khó khăn do những tác động tiêu cực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Để làm rõ về những tác động mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với lĩnh vực khởi nghiệp, phóng viên Báo điện tử VTV News đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Đức Minh Hiếu – Sáng lập viên kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần nghiên cứu ngành và tư vấn Việt Nam (VIRAC).
PV: Xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc trao đổi với Báo điện tử VTV News! Thưa ông, dưới góc nhìn của một người làm doanh nghiệp, ông hiểu thế nào về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư (4.0)?
Ông Vũ Đức Minh Hiếu: Theo tôi được biết, chưa thật sự có một định nghĩa nào rõ ràng về khái niệm cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên theo nhìn nhận của một số chuyên gia, cách mạng công nghiệp 4.0 được gắn với trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và Dữ liệu lớn (Big Data). Có những chuyên gia cũng gắn cách mạng công nghiệp 4.0 với một số lĩnh vực khác như công nghệ nano, công nghệ sinh học...
PV: Ông đánh giá cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam có những mặt tích cực cũng như tiêu cực nào đối với phong trào khởi nghiệp (Startup) tại Việt Nam?
Ông Vũ Đức Minh Hiếu: Cùng với xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển trên xu hướng này. Điều này thể hiện ở việc chưa bao giờ các nguồn lực xã hội lại tập trung nhiều đến như thế cho phong trào khởi nghiệp. Cùng với khái niệm Chính phủ kiến tạo, có thể thấy Chính phủ đã đi đầu trong việc đưa ra các chính sách thúc đẩy, hỗ trợ cho phong trào khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, các nguồn lực khác bao gồm các quỹ đầu tư mạo hiểm, các quỹ tài trợ phi chính phủ, phi lợi nhuận, các chương trình hướng dẫn đào tạo khởi nghiệp, các co-working space (không gian làm việc chung) và cả các phương tiện truyền thông đều đang góp phần tạo thành một làn sóng khởi nghiệp lớn chưa từng có từ trước đến nay.
Điều này thật sự cần thiết khi trong xã hội hiện nay có một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ được đào tạo một cách thụ động, thiếu tính sáng tạo, chỉ mong tìm những công việc an nhàn hoặc tệ hơn chỉ thích hưởng thụ trên thành quả lao động của người khác. Việc tạo ra một làn sóng thúc đẩy chí tiến thủ của thế hệ trẻ sẽ tạo ra một động lực lớn, thu hút nguồn năng lượng, sự tập trung, tính sáng tạo của cả một thế hệ để làm những công việc có ích. Con đường khởi nghiệp không bao giờ đơn giản dễ dàng. Sẽ có những bạn thành công và những bạn chưa thành công nhưng dù kết quả có thế nào, việc gây dựng được một niềm đam mê để theo đuổi nó cho cả một thế hệ tôi nghĩ đó đã là một việc thành công.
Tuy nhiên mọi vấn đề đều có 2 mặt của nó. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và phong trào khởi nghiệp trên cả nước ở một góc độ nào đó đang dẫn đến một thực trạng là có một bộ phận không nhỏ trong xã hội đã gắn khái niệm chung "khởi nghiệp" thành "khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nội dung số". Hay nói cách khác, nhiều người nhầm lẫn là chỉ những lĩnh vực liên quan đến IT mới được gọi là khởi nghiệp hay startup.
Chúng ta đều biết rằng trong cuộc cách mạng 4.0 hay các lĩnh vực liên quan đến IT, nội dung số là xu hướng của thời đại. Việc triển khai lĩnh vực này cũng không phải lúc nào cũng đòi hỏi một nguồn tài chính lớn, đôi khi chỉ cần một ý tưởng tốt, có hiểu biết công nghệ là có thể triển khai được. Chưa kể các nguồn lực tài chính cho mảng này như quỹ đầu tư mạo hiểm cũng đa dạng và sẵn sàng tham gia từ giai đoạn đầu so với các lĩnh vực khác. Tuy vậy, cũng không thể phủ nhận một điều là lĩnh vực IT và công nghệ số lại là lĩnh vực có độ cạnh tranh cao nhất. Theo tôi nhận thấy, thường đối với mỗi sản phẩm, chỉ có tối đa 3 công ty lớn chiếm lĩnh thị trường, thậm chí có những lĩnh vực chỉ có duy nhất 1. Ví dụ như tại Việt Nam, thị trường sản xuất game online hầu như chỉ có Vinagame, FPT, VTC. Các công ty khác nếu không phải là các thị trường ngách nhỏ hẹp thì đều đang chật vật tìm chỗ đứng.
Hoặc trong lĩnh vực tìm kiếm thông tin hay mạng xã hội, thậm chí ở Việt Nam cũng như rất nhiều nước khác, không có một công ty bản địa nào đủ sức tồn tại, hầu như mọi người đều dùng Google và Facebook. Điều đó có thể thấy trong lĩnh vực IT và nội dung số này, xác suất tồn tại của một doanh nghiệp là rất thấp. Bản thân cụm từ "quỹ đầu tư mạo hiểm" đã đủ thấy các quỹ đầu tư đánh giá lĩnh vực này rủi ro đến mức độ nào.
Theo quan điểm của cá nhân tôi, khái niệm khởi nghiệp hay startup không nhất thiết phải gắn liền với một ngành cụ thể nào cả. Mỗi cá nhân với mỗi niềm đam mê, sở thích, tài năng, kỹ năng khác nhau đều có thể khởi nghiệp và tạo ra các giá trị đóng góp cho bản thân và xã hội. Mở quán cà phê, tiệm cắt tóc hay chăn nuôi trồng trọt đều có thể coi là khởi nghiệp. Chỉ cần tìm ra một cách làm mới, một địa điểm mới hay rộng hơn là xử lý được nhu cầu cần thiết trong một bộ phận của xã hội, đều có thể coi là khởi nghiệp. Bản thân tôi khi gây dựng VIRAC là một công ty trong lĩnh vực cung cấp thông tin hỗ trợ kinh doanh cũng có một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Với VIRAC, đơn giản tôi chỉ đưa ra một cách tiếp cận khác trong lĩnh vực này một cách nhanh chóng và đầy đủ hơn và riêng điều đó đã tạo cho VIRAC có một chỗ đứng trong thị trường ngày hôm nay.
PV: Đã từng là một doanh nhân khởi nghiệp và đạt được những thành công nhất định, ông có lời khuyên gì đối với các bạn trẻ muốn khởi nghiệp trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam như hiện nay?
Ông Vũ Đức Minh Hiếu: Với tôi, có một ranh giới của việc kết thúc giai đoạn startup, đó là thời điểm doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận, bất kể thời gian thành lập là bao lâu. Với định nghĩa đó, VIRAC hiện đã bước qua giai đoạn startup. Tôi chưa dám tự nhận là đã thành công nhưng với những gì đã đi qua, tôi xin chia sẻ một vài kinh nghiệm với các bạn startup.
Thứ nhất, các bạn trẻ có sáng tạo, có đam mê, có nhiệt huyết là điều rất đáng quý. Tuy nhiên đó mới là điều kiện cần. Các bạn cũng cần phải thực tế, cần phải đứng trên mặt đất. Các trường hợp bỏ học thành danh như Bill Gates hay Mark Zuckerberg là những thiên tài triệu người, thậm chí tỷ người mới có một. Chúng ta có thể học niềm đam mê, cách nghĩ lớn của họ nhưng không nên máy móc học họ ở việc bỏ học đại học và khởi nghiệp. Điều này ở một góc độ nào đó cũng giống như bạn đem gia tài đi chơi xổ số vậy, không phủ nhận có những người trúng số và trở nên giàu có nhưng một xác suất rất lớn là thua và tay trắng. Tại sao chúng ta lại phải lựa chọn phương án với xác suất thành công rất nhỏ? Các bạn trẻ nên nhớ "think big but start small"(suy nghĩ việc lớn nhưng bắt đầu từ việc nhỏ).
Thứ hai, kể cả khi tốt nghiệp và ra trường, các bạn nên cân nhắc kỹ thời điểm lựa chọn khởi nghiệp của mình. Cá nhân tôi lựa chọn ngưỡng tuổi ngoài 30 để khởi nghiệp. Vì sao? Tại thời điểm này, tôi cân bằng được 2 thứ. Một là tôi đã có một khoảng thời gian đi làm thuê đủ dài, tôi đã tích lũy được các yếu tố quan trọng như: kinh nghiệm làm việc, kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm quản lý, mối quan hệ với bạn bè và đối tác và quan trọng nữa là tích lũy được một phần tài chính. Mặt khác, ngưỡng tuổi 30 cũng là vừa đủ đối với tôi để vẫn còn nhiệt huyết tuổi trẻ, dám nghĩ dám làm, dám đương đầu với khó khăn thử thách. Nếu già hơn tôi tự thấy mình sẽ có xu hướng ngại thay đổi cái mới, hoặc nếu có một vị trí nhất định trong tổ chức đủ lớn, thì chi phí cơ hội sẽ phải cân nhắc rất nhiều. Thời gian đi làm thuê cũng rất giá trị và đối với tôi, đó là giai đoạn học hỏi, tích lũy. Tất nhiên tôi hiểu việc lựa chọn thời điểm khởi nghiệp cũng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như thời điểm nắm bắt cơ hội, niềm đam mê. Tuy nhiên với kinh nghiệm của tôi, việc chuẩn bị kỹ lưỡng luôn đem lại hiệu quả khác biệt.
Thứ ba, khi khởi nghiệp, không nên làm cùng lúc với quá nhiều người. Theo tôi thấy thường doanh nghiệp mới phát triển chỉ nên có 2 hoặc 3 người hoặc thậm chí 1 người. Ngạn ngữ nước ngoài có câu "nếu đi nhanh thì nên đi ít người và nếu đi xa thì nên đi nhiều người". Các bạn mới khởi nghiệp thường có tâm ý e ngại mình không biết hết mọi thứ, cần người khác có những nguồn lực khác lấp vào chỗ còn thiếu của mình. Tâm lý đó không sai nhưng ở thời điểm ban đầu, bạn cần ra các quyết định nhanh chóng, sáng tạo, dám làm dám sai. Tất cả các thứ mà bạn đang nghĩ mình "còn thiếu" đều có thể tự học, tự bổ sung được ở một góc độ nào đấy có thể coi là đủ dùng cho thời gian đầu. Cái giá phải trả cho việc nhiều người, nhiều nguồn lực, nhiều sức sáng tạo sẽ là thời gian, tâm trí dành cho tranh luận, hay nặng hơn nữa là mất các mối quan hệ với bạn bè thân thiết từ lâu, đặc biệt là với các bạn trẻ khi những kỹ năng và kinh nghiệm xử lý vấn đề con người vẫn còn hạn chế.
Thứ tư, các bạn trẻ cần phải nhớ thước đo của doanh nghiệp thành công vẫn là con số kết quả tài chính của công ty. Rất nhiều bạn trẻ với sức sáng tạo lớn, khi có một ý tưởng mới sẽ bị cuốn vào cái bẫy của chính mình, đó chính là quá yêu sản phẩm. Các bạn sẽ mất rất nhiều công sức để làm một sản phẩm thật đẹp, thật nuột, thật cầu kỳ nhưng rất tiếc là chỉ với bản thân mình. Các yêu cầu của sản phẩm đối với người dùng hay với thị trường đôi khi lại khác với những gì bạn đang yêu quý. Sản phẩm đẹp nhất chính là sản phẩm được thị trường đón nhận nhất.
Và cuối cùng, như tôi đã nói ở trên, các bạn trẻ khởi nghiệp nên "think out of the box" (Tư duy vượt giới hạn). Mọi sản phẩm, dịch vụ nếu triển khai được một cái gì mới, giải quyết được một vấn đề dù nhỏ thôi của xã hội cũng đều được coi là khởi nghiệp. Không nên quá tự ép mình phải gắn với cách mạng công nghiệp 4.0 mà bỏ qua các cơ hội khác cho một startup thành công.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!