Sứ mệnh Polaris Dawn của SpaceX, với tỷ phú Jared Isaacman và ba thành viên phi hành đoàn khác, đã thu hút sự chú ý toàn cầu. Không chỉ là cuộc đi bộ ngoài không gian tư nhân đầu tiên, Polaris Dawn còn thực hiện những nghiên cứu liên quan đến sức khỏe con người trong môi trường vũ trụ. Đây là sứ mệnh mở đầu cho chương trình Polaris với tổng cộng ba chuyến bay, tập trung đặc biệt vào việc nghiên cứu các tác động của chuyến bay không gian lên cơ thể người.
Một trong những yếu tố độc đáo của Polaris Dawn là độ cao của nó, lên đến 870 dặm so với mặt đất, cao hơn nhiều so với Trạm Vũ trụ Quốc tế (chỉ khoảng 250 dặm). Độ cao này đưa phi thuyền xuyên qua vành đai Van Allen của Trái Đất, nơi có nhiều hạt phóng xạ có thể gây nguy hiểm cho cơ thể. Các thành viên phi hành đoàn được trang bị cảm biến để đo mức phóng xạ mà họ tiếp xúc, cung cấp dữ liệu quý giá về ảnh hưởng của phóng xạ lên con người trong không gian.
Jimmy Wu, Phó Giám đốc của Viện Nghiên cứu Sức khỏe Không gian thuộc Đại học Baylor, giải thích rằng: "Đây là cơ hội quý giá để hiểu thêm về phơi nhiễm phóng xạ khi con người bay xa khỏi mặt đất. Chúng ta còn rất ít dữ liệu về điều này, vì số lượng người bay xa như vậy rất hạn chế".
Dù sứ mệnh Polaris Dawn chỉ kéo dài 5 ngày, nhưng vẫn tạo cơ hội cho các nghiên cứu về sức khỏe trong môi trường không gian. Trong thời gian ngắn như vậy, các nhà khoa học có thể tập trung vào các hiệu ứng tức thì, như chứng say không gian - một hiện tượng khiến một số phi hành gia mất phương hướng khi chuyển sang môi trường không trọng lực. Hiểu rõ lý do tại sao một số người chịu ảnh hưởng này nhiều hơn sẽ giúp cải thiện an toàn trong các sứ mệnh tương lai.
Polaris Dawn không chỉ mang tính tiên phong về công nghệ mà còn mở rộng dữ liệu sức khỏe lên một nhóm người đa dạng hơn. Trước đây, hầu hết dữ liệu sức khỏe không gian đến từ một nhóm nhỏ các phi hành gia được chọn lựa kỹ lưỡng, thường là nam giới khỏe mạnh. Nhưng với việc ngày càng nhiều phi hành gia thương mại tham gia các chuyến bay, nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ thu thập thêm dữ liệu từ nhiều đối tượng khác nhau, bao gồm cả những người có điều kiện y tế như bệnh tiểu đường hoặc tim mạch.
Bằng cách này, sứ mệnh Polaris Dawn có thể giúp nhân loại hiểu rõ hơn về khả năng thích nghi của cơ thể người trong không gian, mở ra nhiều cơ hội cho các sứ mệnh khám phá dài hạn, như đến sao Hỏa.
Một trong những thí nghiệm đáng chú ý trên Polaris Dawn là thử nghiệm một thiết bị siêu âm cầm tay thu nhỏ. Điều này không chỉ hữu ích trong không gian, nơi không có bác sĩ, mà còn có thể mang lại lợi ích cho những vùng sâu, vùng xa trên Trái Đất, nơi người dân ít được tiếp cận với dịch vụ y tế.
Như ông Jimmy Wu chia sẻ: "Nếu chúng ta có thể giữ cho ai đó khỏe mạnh ở một môi trường khắc nghiệt như không gian, thì việc áp dụng công nghệ đó trên Trái Đất, đặc biệt là ở những nơi thiếu thốn tài nguyên y tế, sẽ mang lại lợi ích vô cùng to lớn".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!